Siết chặt Ấn Độ
Ấn Độ đang ngày càng lo ngại trước việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti, một vị trí chiến lược ở Tây Bắc Ấn Độ Dương.
Djibouti, quốc gia nhỏ bé, khô cằn, kẹp giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia, án ngữ phía Nam Biển Đỏ trên tuyến hàng hải tới kênh đào Suez, cũng là nơi có căn cứ của Mỹ, Nhật Bản và Pháp.
Ví trí chiến lược của Djibouti |
Mặc dù trong tuyên bố chính thức Bắc Kinh cho biết căn cứ tại Djibouti là một cơ sở hậu cần, tuy nhiên động thái của Trung Quốc đã tạo ra lo lắng cho Ấn Độ.
Djibouti có vị trí quan trọng chiến lược hàng đầu khi gần các khu vực căng thẳng ở Trung Đông và châu Phi. Đây cũng là lý do các cường quốc quân sự thiết lập căn cứ của họ ở Djibouti.
Djibouti có thể trở thành một phần trong “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc hình thành các liên minh quân sự xung quanh Ấn Độ, bao gồm Myanmar, Sri Lanka và Bangladesh.
“Chuỗi ngọc trai” là mạng lưới các cơ sở thương mại và quân sự do Trung Quốc phát triển ở các quốc gia nằm trên Ấn Độ Dương giữa Trung Quốc đại lục và cảng Sudan.
Ấn Độ rất thận trọng vì “chuỗi ngọc trai” có khả năng bao vây Ấn Độ. “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ luôn được xem là câu trả lời cho “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc.
Tàu hải quân Trung Quốc khởi hành từ tình Quảng Đông lên đường sang Djibouti hôm 11/7 |
Hải quân Ấn Độ đã phát hiện hơn 10 tàu chiến Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm, tàu khu trục và tàu thu thập thông tin ở Ấn Độ Dương trong 2 tháng qua.
Điều này mang ý nghĩa quan trọng bởi vì quân đội 2 nước đang ở tình trạng “đối đầu” kéo dài hơn 3 tuần tại khu vực ngã ba biên giới Ấn Độ-Trung Quốc với Bhutan, giáp bang Sikkim (Ấn Độ).
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập các căn cứ quân sự tại các vị trí chiến lược xa xôi có thể được xem như một phản ứng với cuộc tập trận chung Malabar giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
Các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương được xem là một trong những tuyến đường chiến lược quan trọng nhất trên thế giới. Hơn 80% lượng dầu vận chuyển trên biển của thế giới đi qua khu vực Ấn Độ Dương, trong đó 40% đi qua eo biển Hormuz, 35% qua eo biển Malacca và 8% qua eo biển Bab el-Mandab.
Một mối quan tâm lớn của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương là năng lượng. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, gần 70% dầu mỏ phụ thuộc vào nhập khẩu, phần lớn là từ vùng Vịnh.
Mặc dù hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin việc thành lập căn cứ tại Djibouti là quyết định của 2 nước sau khi “đàm phán thân thiện và phù hợp với lợi ích chung của nhân dân 2 nước”, nhưng Ấn Độ cho rằng đây là một nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc.
Việc thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti diễn ra trong bối cảnh, Bắc Kinh đẩy mạnh triển khai một loạt hành động thực tế, bắt đầu từ dự án “Vành đai, Con đường” để xây dựng cảng và các cơ sở hạ tầng khác ở Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan.
Điều này gây ra lo ngại lớn cho Ấn Độ vì dự án “Hàng lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan”, một phần quan trọng của “Vành đai, Con đường”, chạy qua khu vực lãnh thổ Kashmir của Ấn Độ, mà Pakistan cũng tuyên bố chủ quyền.
Ấn Độ liên thủ Nhật Bản
Trong khi đó, trang Diễn đàn Đông Á của Australia chỉ ra rằng các mạng lưới song phương mạnh mẽ của Nhật Bản và Ấn Độ đang di chuyển vào khu vực châu Phi, nơi hai nước tích cực can dự cả về mặt kinh tế, chính trị và chiến lược nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.
Hội nghị Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB) thường niên lần thứ 52 được tổ chức hồi tháng 5/2017 vừa qua tại bang Gujarat (Ấn Độ) là một sự kiện mang tính bước ngoặt vì đây là lần đầu tiên Ấn Độ tổ chức hội nghị kể từ khi nước này gia nhập ADB năm 1983.
Trong hội nghị lần này, một sáng kiến quan trọng được đề xuất là việc thành lập Hành lang Tăng trưởng Á-Phi, trong đó Ấn Độ và Nhật Bản sẽ hợp tác phát triển châu Phi.
Một bản tài liệu tầm nhìn phát triển khu vực châu Phi do các viện nghiên cứu của Nhật Bản, Ấn Độ, châu Phi phối hợp chuẩn bị, cũng đã được công bố tại hội nghị.
Tàu chiến của hải quân Ấn Độ |
Tài liệu dày 30 trang này xác định 4 lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Ấn Độ và Nhật Bản tại châu Phi, bao gồm nâng cao năng lực và kỹ năng, cơ sở hạ tầng chất lượng và năng lực thể chế, các dự án phát triển và hợp tác, đẩy mạnh hợp tác giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, tài liệu này không đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể.
Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều là những nhà đầu tư lớn ở châu Phi và viện trợ kinh tế của họ cho khu vực này tăng đáng kể trong những năm gần đây. Cả hai nước cũng cam kết làm nhiều hơn nữa ở châu Phi.
Các dự án liên doanh giữa Nhật Bản và Ấn Độ tại khu vực này đang được thực hiện một cách chiến lược nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Phi thông qua viện trợ ồ ạt, thương mại và đầu tư.
Đó là chưa kể đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, với các dự án cơ sở hạ tầng lớn thông qua các tuyến đường trên đất liền và trên biển bao trùm châu Phi, châu Á và Á-Âu.
Ấn Độ và Nhật Bản có mối quan hệ kinh tế song phương mạnh mẽ với Trung Quốc, nhưng cả hai đang mất lòng tin vào các dự án chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở châu Á và trên thế giới.
Trong môi trường căng thẳng và mất lòng tin như hiện nay, Nhật Bản và Ấn Độ đã bắt tay trong một cuộc cạnh tranh mới với Trung Quốc và đã chọn châu Phi làm đấu trường.
Theo Đất Việt