Quân Nga tiến vào Daraa thay cho Iran và Hezbollah
Quân đội Nga bước vào miền nam Syria lần đầu tiên vào ngày Thứ 4 ngày 13/7, khi lực lượng tiền trạm của họ bước vào thành phố lớn Daraa ở miền Nam Syria để bắt đầu thực thi lệnh ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đạt được ở Hamburg hôm 7/7.
Nguồn tin quân sự của DEBKAfile cho biết, các quân nhân Nga, trong đó chủ yếu là lực lượng cảnh sát quân sự (Quân cảnh) và lính dù Chechnya đã được quan sát thấy khi họ bước ra từ những chiếc xe của đoàn xe cơ giới Nga tiến vào chiếm lĩnh các vị trí ở trung tâm của thành phố Daraa.
Theo đó, các binh sĩ Nga và lực lượng đặc nhiệm Chechnya giấu mình trong đồng phục cảnh sát quân đội. Họ chỉ được trang bị duy nhất có vũ khí hạng nhẹ, không được phép mang theo các vũ khí tấn công hỏa lực mạnh như xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hay trọng pháo...
Vào ngày 05 tháng 7, đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin về vấn đề Syria là ông Alexander Levrentiev nói rằng, quân đội Nga được triển khai đến giám sát các khu vực ngừng bắn ở phía Tây Nam Syria sẽ chỉ mang theo các vũ khí nhẹ và trang bị cá nhân nhằm mục đích tự vệ.
Hầu hết sẽ bao gồm lực lượng cảnh sát quân sự Nga. Sự mô tả này được dự định để hợp pháp hóa sự hiện diện của lính dù Chechnya, những tay súng đặc nhiệm Hồi giáo rất thiện chiến, được biệt phái đến miền Nam Syria cho sứ mệnh này, dưới danh nghĩa lực lượng quân cảnh Nga.
Quân Nga đã tiến vào Daraa để giám sát thỏa thuận ngừng bắn |
Các nguồn tin của DEBKAfile cũng thông báo rằng, song song với việc lực lượng Quân cảnh và lính dù Chechnya di chuyển vào thành phố thì các đơn vị xe tăng của lực lượng trung thành với chính quyền Syria, trong đó có các bộ phận của Sư đoàn 5 thiết giáp, cùng với lực lượng vũ trang người Shiite của Hezbollah được nhìn thấy bắt đầu di chuyển ra khu vực ngoại ô.
Quân đội Syria và các đồng minh của họ đã buộc phải rút ngắn chiến dịch “Bình minh lớn” (Operation Big Dawn) chống lại lực lượng đối lập và khủng bố ở Daraa, mà họ bắt đầu triển khai vào ngày 11/7 - một ngày sau khi lệnh ngừng bắn Nga-Mỹ có hiệu lực.
Việc triển khai của Nga trong thành phố miền nam biên giới Syria là bước đầu tiên trong việc xây dựng các khu vực ngừng bắn dọc biên giới Israel và Jordan với Syria, theo thỏa thuận giữa Washington và Moscow.
Tổng thống Trump đã đồng ý với Tổng thống Nga Putin để triển khai khu vực chấm dứt xung đột này để củng cố giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn Syria sẽ có hiệu lực trong vùng xung đột của phía tây nam.
Jordan cũng đồng ý với thỏa thuận này, vì lợi ích của chính quyền Amman, nhằm giảm bớt những căng thẳng leo thang xung đột trên biên giới với Syria. Nước này đã thành lập một trung tâm giám sát ngừng bắn ở thủ đô Amman để điều hành chung các khu vực ngừng bắn.
Theo Jordan, các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Mỹ và Jordan sẽ cùng nhau giám sát sự chấm dứt các cuộc xung đột ở các khu vực nổi dậy ở tỉnh Daraa và Quneitra, biến chúng trở thành những vùng tự trị độc lập, như một mô hình cho phần còn lại của đất nước.
Nguồn tin của DEBKAfile dự đoán rằng, sau sự xuất hiện của quân đội Nga tại Daraa để duy trì thỏa thuận ngừng bắn, cả Washington và Moscow sẽ đẩy khó khăn về phía Tel Avip, buộc Israel phải chấp nhận sự có mặt của quân đội Nga tại Quneitra, đối diện với nguyên Golan.
Tuy nhiên, đối với Israel, sự hiện diện của Quân đội Nga vẫn còn tốt hơn nhiều so với sự hiện diện của các tay súng người Shiite ủng hộ Iran và lực lượng vũ trang Hezbollah - những địch thủ lớn mà họ hết sức lo lắng.
Trong các cuộc thảo luận sơ bộ trước đây, Moscow đã đề nghị triển khai quân đội Nga làm lực lượng giám sát. Người Mỹ đã bác bỏ điều này bởi nếu để quân Nga hiện diện ở đây, điều đó đồng nghĩa với việc khu vực tây nam Syria vẫn thuộc về ông Bashar al-Assad.
Mỹ đề nghị đưa các lực lượng Mỹ hoặc quốc tế (tất nhiên là các lực lượng quân sự của phương Tây) vào các khu vực Daraa và Quneitra. Và tất nhiên là Nga cũng bác bỏ điều này, bởi Moscow không cho phép số lượng lính Mỹ ở Syria tăng lên một cách hợp pháp.
Không nghi ngờ gì nữa, một khi các chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn được bàn bạc, các nhà ngoại giao Nga sẽ cố gắng để giúp các đồng minh của họ đạt được vị thế tốt nhất trước khi lệnh ngừng bắn chấm dứt, ngược lại, Mỹ cũng sẽ hết sức giúp lực lượng đối lập chiếm được lợi thế.
Cách đây mấy hôm, các quan chức lãnh đạo IDF (Quân đội Israel) vẫn còn rất lo lắng bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã quyết định sẽ giữ nguyên hiện trạng vùng Tây Nam Syria (đồng nghĩa với việc lực lượng vũ trang thân Iran và Hezbollah vẫn sẽ hiện diện tại Al-Baath, thuộc vùng ngoại ô Quneitra, cách biên giới của Israel ở cao nguyên Golan chỉ 3km hoặc ở một khu vực của tỉnh Deraa, cách 36km về phía Đông của Golan (và 1km tính từ biên giới Jordan).
Lực lượng quân cảnh Nga ở Syria thực chất là lực lượng đặc nhiệm Chechnya |
Chính phủ Netanyahu khăng khăng giữ vững quan điểm là sự hiện diện của lực lượng quân sự Iran và Hezbollah trên biên giới của Israel là điều không thể chấp nhận, đồng thời Iran sẽ không được phép bơm vũ khí tiên tiến cho Hezbollah qua con đường Syria.
Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman tiếp tục nhắc lại rằng, nước này được quyền bảo lưu “quyền tự do hành động” để làm những gì mà họ cảm thấy cần thiết nhất để bảo đảm lợi ích an ninh của của đất nước.
Người Do Thái vốn nổi tiếng là những người có đường lối đối ngoại độc lập (ngay cả đối với Mỹ) và luôn có những hành động cứng rắn trong những vấn đề mà họ coi là nguy hại đến an ninh quốc gia của mình. Do đó, giới quan sát nhận định rằng, nếu Nga-Mỹ không đáp ứng những yêu cầu của Israel, rất có thể Tel Avip sẽ phá vỡ lệnh ngừng bắn.
Ngoài ra, Mỹ và các nước Ả rập cũng sẽ không để Nga và chính quyền Assad chiếm được lợi thế trong thỏa thuận này. Nếu Washington và các đồng minh cảm thấy mình là kẻ “bị thiệt thòi” thì chắc chắn là họ sẽ không tuân thủ lệnh ngừng bắn và sẽ tranh thủ khoảng thời gian ngừng nghỉ quý báu để “xốc lại đội hình”, vạch ra những âm mưu mới.
Do đó, Nga buộc phải để lực lượng thân Iran và Hezbollah rút ra khỏi khu vực này để tránh việc Mỹ và Israel “làm càn”, tuy nhiên, đổi lại, Moscow ép Mỹ phải để quân Nga vào các tỉnh phía Nam để ngăn chặn khả năng các nhóm đối lập và khủng bố tranh thủ thời cơ tái chiếm lại các khu vực đã mất.
Do đó, tình hình ở khu vực biên giới Syria giáp với Israel và Jordan đang ở thế trận giằng co chưa bên nào chiếm ưu thế. Và điều này sẽ chỉ được quyết định một khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ.
Theo Đất Việt