Nam Syria ngày đầu im tiếng súng: Khoảng lặng trước cơn bão

Thứ ba, 11/07/2017, 09:50
Ngày đầu ngừng bắn ở phía Nam Syria rất yên bình, nhưng đó có thể là sự yên bình giả tạo, là dấu hiệu báo trước một cơn bão sắp đến.

Nam Syria ngày đầu ngừng bắn: Hoàn toàn im tiếng súng

Ngày 10/7, các tỉnh của Daraa và Quneitra tại miền Nam Syria đang chứng kiến sự im lặng hoàn toàn, sau khi bắt đầu cuộc ngừng bắn do sự thống nhất của Nga và Hoa Kỳ. Cho đến nay chưa có những báo cáo chính thức về các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn.

"Tôi nghĩ đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Hoa Kỳ và Nga có thể cùng nhau làm việc ở Syria" - Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết hôm 9/7. Theo ông, Nga và Mỹ đã thảo luận rất lâu về các khu vực khác của Syria, nơi hai nước có thể tiếp tục làm việc cùng nhau để giảm leo thang xung đột.

Ở phía ngược lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, thỏa thuận ngừng bắn còn bao gồm việc đảm bảo tiếp cận các nguồn viện trợ nhân đạo, thiết lập mối liên hệ giữa phe đối lập trong khu vực và trung tâm giám sát ngừng bắn sẽ được thành lập ở thủ đô của Jordan.

Điều này có nghĩa là các bên Nga và Mỹ đã chuyển từ giai đoạn thống nhất ý chí chính trị sang bàn bạc về mặt kỹ thuật của cuộc ngừng bắn và một cơ chế để theo dõi, giám sát nó.

Hôm 9/7, chính quyền Jordan cho biết rằng, các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Mỹ và Jordan sẽ cùng nhau giám sát việc chấm dứt xung đột ở các khu vực của tỉnh Daraa và Quneitra, biến chúng trở thành những vùng tự trị độc lập, như một mô hình cho phần còn lại của đất nước.

Theo giới phân tích, những tuyên ngôn lạc quan về hòa bình ở phía Nam Syria là không có cơ sở, thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực tây nam nước này rất khó có thể được thực thi.

Trong các cuộc thảo luận sơ bộ, Moscow đề nghị triển khai quân đội Nga làm lực lượng giám sát. Người Mỹ đã bác bỏ điều này bởi nếu để quân Nga hiện diện ở đây, điều đó đồng nghĩa với việc khu vực tây nam Syria vẫn thuộc về ông Bashar al-Assad.

Ngày đầu ngừng bắn ở Nam Syria đã hoàn toàn im tiếng súng

Thay vào đó, họ đề nghị đưa các lực lượng Mỹ hoặc quốc tế (tất nhiên là các lực lượng quân sự của phương Tây) vào các khu vực Daraa và Quneitra. Đề nghị này cũng bị Nga thẳng thừng bác bỏ, bởi Moscow không cho phép số lượng lính Mỹ ở Syria tăng lên một cách hợp pháp.

Không ai nghi ngờ rằng, một khi các chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn được bàn bạc, các nhà ngoại giao Nga và Mỹ sẽ cố gắng để giúp các đồng minh của họ đạt được vị thế tốt nhất trước khi lệnh ngừng bắn chấm dứt.

Mỹ và đồng minh Israel, Jordan sẽ không để chính quyền Assad chiếm được lợi thế trong thỏa thuận này. Đặc biệt là Issrael sẽ không bao giờ chấp thuận cho lực lượng Iran và Hezbollah áp sát biên giới nước mình, thêm nữa, dưới sự giám sát ngừng bắn của Nga họ sẽ không thể xoay xở được.

Vừa qua, giới truyền thông Israel cho biết, các cuộc thảo luận giữa nước này với Mỹ đã diễn ra khá dày đặc và gay gắt trong thời gian gần đây. Thủ tướng Benjamin Netanyahu muốn các vùng giảm xung đột này làm vành đai ngăn cản lực lượng thân Iran và nhóm Hezbollad khu vực cao nguyên Golan.

Theo tờ Haaretz, việc Washington đàm phán trực tiếp với Moscow và Jordan để thiết lập vùng giảm xung đột chính là yêu cầu của Tel Avip. Israel không muốn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chen chân can dự vào các vùng an toàn và đe dọa an ninh quốc gia của họ.

Một quan chức Israel giấu tên tiết lộ, Washington suốt thời gian qua đã liên tục thông báo cho Jerusalem các diễn biến của cuộc đàm phán ba bên Nga-Mỹ-Jordan và bảo vệ các lợi ích của Israel. Các điều kiện nêu trên đều đã được đưa vào thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được.

Trong bối cảnh cả thế giới đang quan tâm đến thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên mà tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được với người đồng cấp Nga Vladimir Putin thì một thông tin cũng không kém phần quan trọng khác được đưa ra là Đức đã bắt đầu rút máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Jordan.

Ngày 10/7, giới báo chí loan tin Đức đã bắt đầu rút lực lượng và trang bị khỏi căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển sang căn cứ không quân Azraq ở miền bắc Jordan.

Cho đến nay, tại căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 260 binh sĩ Đức phục vụ các chuyến bay của Tornado và một số máy bay chở nhiên liệu, hoạt động trong khuôn khổ sứ mệnh của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS)

Theo tin đưa từ phiên bản điện tử của báo Đức Spiegel dẫn nguồn tin riêng cho biết, việc đưa nhóm quân viễn chinh Đức ra khỏi căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu hôm 10/7. Theo đó, số máy bay tiếp nhiên liệu sẽ di chuyển đầu tiên, sau đó là các máy bay trinh sát-do thám Tornado.

Nguồn tin của Spiegel thông báo, từ nay cho đến cuối tháng 7, các máy bay Tornado sẽ được đưa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Số máy bay này sẽ trở lại Đức trong vòng một tháng rưỡi, tiếp đó sẽ được phái sang Jordan; hoặc chúng cũng có thể sẽ được thay ngay bằng những máy bay khác.

Theo giới chức lãnh đạo Đức, quyết định về việc rút nhóm quân và máy bay Đức ra khỏi căn cứ Incirlik được thông qua sau lệnh cấm thứ hai mà chính quyền Erdogan ban hành, không cho phép các nghị sĩ Đức đến úy lạo binh sĩ nước mình tại căn cứ này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc Đức rút máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về Jordan trùng với thời điểm Nga-Mỹ đạt thỏa thuận ngừng bắn mục đích chính là nhằm vào Syria, mà cụ thể là khu vực biên giới phía Nam nước này, giáp với biên giới phía Đông Bắc của Israel và phía Bắc Jordan.

Đức đã bắt đầu rút lực lượng từ Incilik/Thổ Nhĩ Kỳ về Azraq/Jordan

Từ căn cứ không quân Azraq ở miền Bắc Jordan, khoảng cách đến biên giới Jordan giáp với các tỉnh Tây Nam Syria như As Suwayda khoảng 50km, đến Dara'a khoảng 100km, đến khu vực cao nguyên Golan và tỉnh Quneitra cũng chưa đến 200km. Do đó, việc liên quân Mỹ hỗ trợ không quân cho lực lượng đối lập ở khu vực này là điều rất dễ dàng.

Ngoài ra, từ Azraq đến các tỉnh Đông Nam Syria như Homs, Deir Ezzor cũng hoàn toàn nằm trong tầm bay của Tornado. Ví dụ, khoảng cách đến khu vực al-Tanf chỉ khoảng 250km, đến thị trấn al-Bukamal khoảng 470km và đến thành phố Deir Ezzor là 500km.

Do đó, một điều chắc chắn là những chiếc Tornado của Đức sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động của lực lượng không quân liên quân Mỹ ở khu vực phía Nam Syria, cùng với ít nhất 4 căn cứ không quân của Mỹ lập ở phía Bắc thuộc địa bàn các tỉnh Aleppo, Raqqa và al-Hasakah.

Việc những chiếc máy bay Đức hiện diện ở đây giúp liên quân Mỹ có thể nhanh chóng điều động máy bay trong vòng chưa đến 20 phút tới bất cứ địa điểm nào để hỗ trợ phiến quân đối lập; hoặc khi phát hiện lực lượng quân sự Syria tiến vào những “vùng cấm” vô lý do Mỹ đặt ra.

Do đó, việc Mỹ, Đức thi nhau rút máy bay từ Incirlik về trong nội địa Syria và ở Jordan hoàn toàn có thể là nằm trong một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc hỗ trợ phiến quân đối lập ở các tỉnh giáp biên giới Israel, Jordan và Iraq.

Có thể nói rằng, nếu Washington và các đồng minh cảm thấy mình là kẻ “bị thiệt thòi” thì chắc chắn là họ sẽ không tuân thủ lệnh ngừng bắn và việc khu vực phía Nam Syria yên ổn sẽ chỉ là giả tạo, chỉ là “khoảng lặng trước cơn bão lớn”. Rõ ràng là Mỹ và đồng minh sẽ tranh thủ khoảng thời gian ngừng nghỉ quý báu để vạch ra những âm mưu mới, đồng thời “xốc lại đội hình” lực lượng đối lập cho những đợt tấn công mới.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn