Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết, hồi 7 giờ ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Các địa phương đang hướng dẫn tàu thuyền vào bờ neo đậu. |
Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục mạnh lên trong vài ngày tới và khả năng sẽ mạnh lên thành bão trong ngày 16.7. Đến 19 giờ ngày 16.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông trên Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng-Nghệ An khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Trung tâm dự báo khí tưởng thủy văn cảnh báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm ngày 16.7 đến ngày 18.7 ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm.
Trước diễn biến đó, tại cuộc họp khẩn với một số tỉnh, thành phố ven biển, ông Trần Quang Hoài - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh: “Tất cả các tỉnh nằm trong vùng bão có thể đổ bộ cần tập trung kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, nơi áp thấp nhiệt đới đi qua.
Dự báo, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão vào rạng sáng ngày mai (16.7), đến trưa và chiều ngày 17.7 bão sẽ tiếp cận bờ, vùng ảnh hưởng chính từ các tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Bình. Vì vậy cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thông tin kịp thời đến các địa phương và người dân. Rà soát phương án và có kế hoạch di dời người dân vùng ven biển, cửa sông”.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 6 giờ sáng nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho 28 nghìn 316 phương tiện, với hơn 122 nghìn người và 1 nghìn 083 lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản, với 1 nghìn 132 người biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh và di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện các hồ chứa thủy lợi lớn khu vực đồng bằng sông Hồng đang tiêu nước đệm để ứng phó mưa do ảnh hưởng của áp thấp và việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hồng.
Theo Dân Việt