Chưa kịp vui mừng khi được nhận bằng tốt nghiệp đại học, nhiều tân cử nhân ĐH Kinh tế TP.HCM bức xúc vì thông tin cá nhân của họ bị nhà trường công khai, làm ảnh hưởng đời sống, công việc.
Theo phản ánh của các tân cử nhân K39 (khóa 2013-2017), mỗi sinh viên sắp tốt nghiệp được nhà trường trao một bộ hồ sơ gồm bảng điểm, các loại giấy khen, chứng chỉ... và quyển kỷ yếu của khóa.
Kỷ yếu này ghi đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, email, số điện thoại và hình ảnh) của hàng nghìn sinh viên. Trước đó, nhà trường không thông báo về việc công khai thông tin của sinh viên trong kỷ yếu.
Thông tin cá nhân của sinh viên được "kê khai" đầy đủ trong kỷ yếu. Ảnh: Minh Nhật. |
N.T (K39, khoa Quản trị) viết trên trang cá nhân: “Từ ngày kỷ yếu đến tay sinh viên, mình như ngôi sao vậy, suốt ngày nhận được điện thoại từ giới thiệu nhà đất tới mua bảo hiểm… Có khi nửa đêm đang ngủ bị nháy máy nữa, phải khóa nguồn luôn”.
Một nữ cử nhân K39 khá nổi tiếng tại trường cho biết cô đã phải thay sim điện thoại do liên tục nhận được tin nhắn làm quen, mời cà phê, hẹn hò từ các số máy lạ.
“Cuộc sống cá nhân của mình bị ảnh hưởng rất nhiều, quá phiền luôn”, nữ cử nhân này cho hay.
Ngoài chuyện bị “phá” qua điện thoại, nhiều tân cử nhân cho biết email của họ bị spam liên tục. Tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo... cũng nhận được nhiều lời mời kết bạn, tin nhắn hẹn họ hay có nội dung linh tinh khác từ những tài khoản lạ.
Theo họ, do số điện thoại, email có liên kết với mạng xã hội nên khi thông tin bị công khai, nhiều người dễ dàng tìm ra.
Trao đổi với Zing.vn về những thông tin phản ánh trên, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo - Công tác Sinh viên, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên nhà trường nhận được phản ánh về kỷ yếu của sinh viên.
Ông Đương cho hay những thông tin cá nhân của sinh viên kể trên được nhà trường thu thập khi các sinh viên này làm hồ sơ xét tốt nghiệp.
"Phòng Công tác Sinh viên thu thập những thông tin này và in lại trên kỷ yếu xuất phát từ mục đích để sinh viên sau khi ra trường có thể liên lạc, hỗ trợ nhau lúc cần, hoàn toàn không có mục đích gì khác", ông Đương nói.
Về trường hợp cựu sinh viên bị quấy rối, làm phiền, ông Đương cho rằng các đối tượng có mục đích xấu có thể lấy thông tin cá nhân của sinh viên từ nhiều nguồn khác nhau. Ông không phủ nhận một phần có thể do cuốn kỷ yếu nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cách làm của nhà trường.
Ông Đương cho biết nhà trường sẽ tiếp nhận thông tin và cân nhắc khi in kỷ yếu cho các khóa sau.
K.M - một cử nhân K38 (2012-2016) - thắc mắc: “Chuyện làm kỷ yếu thế này đã có từ lâu. Không hiểu nhà trường in ra với mục đích gì. Sinh viên tụi mình đâu có nhu cầu kết nối với nhau như vậy”.
Theo sinh viên này, thông tin xuất hiện trong kỷ yếu là do sinh viên cung cấp trong tài khoản cá nhân trên website thuộc trường. Tài khoản này thường được dùng để xem điểm và các thông báo khác. Điều đáng nói là tài khoản của sinh viên có mật khẩu do người dùng đặt, người ngoài không thể xem thông tin cá nhân của sinh viên.
“Tuy nhiên, nhà trường đã tự ý cập nhật các dữ liệu này để in vào kỷ yếu thì chẳng hiểu bảo mật tài khoản sinh viên còn tác dụng gì”, M. bức xúc đặt câu hỏi.
Theo Zing