|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các tướng lĩnh Bình Nhưỡng. |
Sau lần phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và phóng tên lửa bay qua không phận Nhật Bản, Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và vụ thử này được Triều Tiên công bố là thử loại bom nhiệt hạch mới và được thu nhỏ đủ mức để gắn vào tên lửa các loại.
Các đối tác bên ngoài vẫn chưa hẳn tin tuyên bố nói trên của Triều Tiên nhưng đã xác nhận là sức công phá của vụ thử hạt nhân mới rồi lớn hơn những lần thử trước đó gấp nhiều lần. Họ rút ra từ đó hai nhận thức là Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như đã đạt được những thành tựu với ý nghĩa đột phá trong việc tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa. Và điều mà tất cả đều không thể không thấy được là với ba động thái mới nhất nói trên, Triều Tiên đã làm thay đổi cuộc chơi chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.
Diễn biến mới này xảy ra bất ngờ bởi vừa ngay trước đó xuất hiện những dấu hiệu từ phía Triều Tiên cũng như từ phía Mỹ về giảm căng thẳng. Rất có thể Triều Tiên đã hành động như thế để tạo sự đã rồi và buộc các đối tác liên quan, trước hết là Mỹ và Trung Quốc, phải công nhận thực lực và vị thế mới của Triều Tiên dựa trên thực lực ấy để răn đe và cảnh báo họ chớ tiếp tục làm găng và gây khó cho Triều Tiên, chớ có tấn công quân sự Triều Tiên và đẩy Triều Tiên đến chân tường. Hàm ý của Triều Tiên ở đây rất có thể là buộc Mỹ và các đối tác kia phải công nhận và chấp nhận Triều Tiên như Pakistan, Ấn Độ hay Israel về phương diện sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cuộc chơi giữa các đối tác này đã thay đổi bởi Triều Tiên có được vũ khí mới và chơi theo cách chơi mới. Cuộc chơi ấy đã thay đổi vì đối với các đối tác liên quan thì Triều Tiên đã liên tiếp vượt quá "chỉ giới đỏ" mà họ đã tự đưa ra, tức là bây giờ họ buộc phải không chỉ đối phó Triều Tiên quyết liệt hơn mà còn phải đối phó bằng chiến lược hoặc biện pháp khác bởi chiến lược lâu nay và những biện pháp đã được áp dụng của họ đã chứng tỏ không thành công đối với họ.
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng trong thực chất thì căng thẳng và đối đầu giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gia tăng mà nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh hạt nhân lại giảm nhờ tác dụng của răn đe hạt nhân - giống như ở thời chiến tranh lạnh. Triều Tiên làm thay đổi cuộc chơi và mưu tính dẫn dắt cuộc chơi mới. Các đối tác này phải chấp nhận cuộc chơi mới với Triều Tiên nhưng hiện chưa bộc lộ sẽ chơi cuộc chơi ấy như thế nào.
Theo Dân Việt