Khủng hoảng Triều Tiên đe dọa dòng chảy dầu thô ở châu Á

Thứ ba, 05/09/2017, 09:48
Hơn một phần ba lượng dầu vận chuyển trên biển sẽ bị 'ảnh hưởng nghiêm trọng' trong trường hợp xung đột khu vực giữa Triều Tiên và các nước láng giềng xảy ra.

Hành động quân sự của Triều Tiên gia tăng có thể ngăn chặn dòng chảy dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản

Theo hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, hành động quân sự của Triều Tiên gia tăng có thể ngăn chặn dòng chảy dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lượng dầu này chiếm tới 34% tổng giao dịch thương mại toàn cầu.

Chris Graham, giám đốc phụ trách sản phẩm khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của hãng, cho biết trong “trường hợp xấu nhất” nếu căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và các nước láng giềng biến thành xung đột, Trung Quốc sẽ có nguy cơ mất đi hơn một nửa sản lượng dầu và sẽ phải dùng đến lượng dầu từ các nguồn dự trữ chiến lược, “lần đầu tiên kể từ khi họ bắt đầu tích trữ cách đây 3 - 4 năm”.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có thể phải hành động tương tự. Theo CNBC, cả hai nước đều có kho dầu dự trữ khẩn cấp có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong vòng 90 ngày. Để bù đắp cho nguồn cung dầu và khí đốt nhập khẩu bị siết chặt trong trường hợp có xung đột, Nhật Bản có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ vận hành lại các máy phát điện hạt nhân.

Đối với Trung Quốc, khả năng sản xuất dầu mỏ trong nước có thể tạo ra một vùng đệm tốt hơn, nhưng việc các khu vực sản xuất chủ chốt được đặt gần biên giới với Triều Tiên vẫn có thể gây rủi ro cao về sản lượng dầu. “Trung Quốc tự sản xuất được dầu mỏ trong nước. Tuy nhiên, khoảng 58% vẫn có nguy cơ bị đóng cửa trong trường hợp căng thẳng leo thang”, ông Graham nói.
Theo Wood Mackenzie, khoảng 1,5 triệu trong số 3,95 triệu thùng dầu được sản xuất mỗi ngày của Đại lục đều đến từ khu vực phía bắc nước này. Mỏ dầu gần nhất cách biên giới Triều Tiên chỉ 200km.
Song, không chỉ sản lượng dầu tại các nước Đông Bắc Á, nơi chiếm khoảng 65% công suất lọc dầu của châu lục bị đe dọa, Wood Mackenzie cho biết các thị trường dầu mỏ khác trên thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trong trường hợp xung đột khu vực, chưa kể các “hoạt động tích trữ và chi phí hậu cần có thể đẩy giá dầu tăng cao trong ngắn hạn”.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn