Lộ mật quan trọng ở Bộ Nội vụ: Ai đứng sau?

Thứ hai, 04/09/2017, 15:05
Các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá một cách cụ thể xem tài liệu lộ như thế nào? Mức độ ảnh hưởng và ai là người có liên quan.

Tiết lộ nhằm mục đích gì?

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã triển khai quyết định kiểm tra, xác minh đối với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn xung quanh việc cung cấp tài liệu mật cho báo chí.

Tài liệu được đề cập là Công văn 766 ngày 17/10/2013 của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Công Thương xin Trịnh Xuân Thanh (thời điểm đó là Phó chánh văn phòng Bộ Công Thương) về bố trí làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phụ trách lĩnh vực công nghiệp.

Không lâu sau đó, nội dung kiểm điểm cùng kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật trong tổ chức đảng đối với Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã bị lộ ra ngoài và được đưa lên mạng xã hội. Theo quy định, tài liệu trên cũng phải quản lý theo chế độ tuyệt mật.

Hồ sơ mật liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã bị tiết lộ

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng, thời gian vừa qua Đảng và nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn việc tài liệu thuộc diện bảo mật bị tiết lộ ra bên ngoài.

Tuy nhiên bà Thu Ba phân tích: “Theo tôi việc này phải xử lý hết sức nghiêm khắc. Việc làm lộ những thông tin này chẳng những ảnh hưởng đến cuộc sống của những người liên quan mà còn có thể ảnh hưởng đến vấn đề quốc gia.

Đối với trường hợp Trịnh Xuân Thanh khi mắc những sai phạm bị kỷ luật thì dư luận đặt ra vấn đề phải công khai, minh bạch thông tin để xử lý. Thời điểm này có thể khẳng định những tài liệu liên quan đến ông này không phải mật.

Tuy nhiên trước đó thì rõ ràng đây là tài liệu mật, vì nó liên quan đến từng cá nhân lãnh đạo cụ thể”.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá một cách cụ thể xem tài liệu lộ như thế nào? Mức độ ảnh hưởng ra sao? Những ai là người có liên quan để làm căn cứ xử lý.

“Chúng ta phải xác minh được mục đích tiết lộ là gì? Việc này cần làm rõ để xử lý.

Nếu người tiết lộ đó thuộc cấp thấp và do Bộ Nội vụ quản lý thì Đảng ủy Bộ Nội vụ phải làm.

Còn trường hợp cán bộ ở cấp cao hơn tiết lộ và vi phạm thì Ủy ban kiểm tra Trung ương theo phân công thẩm quyền để xử lý”, bà Thu Ba nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Quang - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ưong cho hay, tài liệu nhà nước hiện nay có nhiều mức độ khác nhau như: tuyệt mật, tối mật, mật và đều có quy định cụ thể.

Đối với hồ sơ của ông Trịnh Xuân Thanh hay nội dung họp kiểm điểm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Quang đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra cụ thể để đánh giá mức độ mật của tài liệu.

“Việc kiểm tra này thực hiện theo quy trình cụ thể. Bộ Nội vụ nếu thấy cán bộ vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ thì phải đề xuất cấp trên xử lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo phân công sẽ tiến hành kiểm tra đối với các vị trí Thứ trưởng, Bộ trưởng”, ông Quang nói.

Quá nhiều tài liệu đóng dấu mật

Một vấn đề khác được bà Lê Thị Thu Ba nhắc đến là thời gian vừa qua, có quá nhiều tài liệu cơ quan nhà nước đóng dấu mật và không công khai với người dân, dư luận xã hội.

“Có những tài liệu cần phổ biến mà cứ bảo mật thì làm sao triển khai được? Cho nên theo tôi phải đưa ra tiêu chí rõ ràng để xác định tính chất, mức độ mật của tài liệu.

Cái nào chỉ lưu hành trong nội bộ cấp trên và cấp dưới thì có thể coi là mật được. Những tài cần triển khai ra ngoài dân hay trong một phạm vi rộng hơn thì không nên mật”, bà Thu Ba nhấn mạnh.

Trong bối cảnh người dân đang thực hiện quyền giám sát cán bộ, bà Thu Ba cho rằng nên có những quy định cụ thể, hợp lý hơn về bảo mật thông tin.

“Theo tôi tùy theo mức độ để xem xét công bố. Thông tin về đời tư, gia đình thì phải giữ mật theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên những thông tin khác cũng nên công khai để mọi người cùng giám sát”, bà Thu Ba nói thêm.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn