Vào khoảng 13h30 ngày 3/9 (giờ Việt Nam), Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H).
Thông tin trên được công bố trên Truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCNA) và nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nước.
Theo KCNA, quả bom này có thể được dùng để gắn vào tên lửa đạn đạo tầm xa. Đặc biệt, cuộc thử nghiệm trên do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo.
“Vụ thử thành công hoàn hảo và là một bước tiến đầy ý nghĩa để nước này hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”, KCNA nhấn mạnh.
Phát thanh viên đài KCNA tuyên bố Triều Tiên thử thành công bom H |
Truyền hình nhà nước Triều Tiên khẳng định, các nhà khoa học nước này đã nâng cấp các đặc tính kỹ thuật của loại bom H nói trên đến một mức độ vô cùng tối tân, dựa trên những thành công thu được từ vụ thử bom H đầu tiên.
Theo tính toán, loại bom H này có thể được kích nổ ở độ cao lớn để tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) vô cùng nguy hiểm.
Cuộc thử nghiệm trên do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo |
Đây là lần thứ hai Triều Tiên tuyên bố thử bom H. Hồi tháng 1/2016, giới chức Bình Nhưỡng cũng khẳng định đã thử thành công bom nhiệt hạch.
Bom nhiệt hạch (bom H) hoạt động mô phỏng quá trình giải phóng năng lượng hạt nhân trên mặt trời, có khác biệt ít nhiều so với nguyên lý bom nguyên tử (bom A). Sức công phá của nó là từ sự bùng nổ của hạt nhân hydro khi chúng chuyển thành helium.
Trước đó, hôm 2/9, Hãng thông tấn KCNA đã loan báo, Viện Nghiên cứu Vũ khí Hạt nhân Triều Tiên đã phát triển thành công một loại “vũ khí hạt nhân tối tân hơn”.
“Các nhà khoa học của chúng ta đã cải tiến công nghệ bom H ở mức độ siêu hiện đại trên nền tảng các thành công trước đây”, KCNA thông tin.
Theo đó, loại bom H mới được nâng cấp của Triều Tiên được điều chỉnh sức công phá từ 10 tới hàng trăm kilotons (1 kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT).
Bình Nhưỡng cho rằng, với vũ khí mới, nước này có thể thực hiện các cuộc tấn công răn đe với sức mạnh hủy diệt cũng như tạo ra cuộc tấn công xung điện từ (EMP) có thể đánh sập hệ thống năng lượng, máy tính, thông tin liên lạc của đối phương.
Nhật Bản tuyên bố xem xét trừng phạt mới
Cùng ngày, cơ quan khảo sát địa chất Nhật Bản cũng kết luận những chấn động phát hiện tại Triều Tiên sáng 3/9 là một vụ nổ hạt nhân
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, sau khi phân tích những số liệu, Tokyo kết luận rằng đây là một vụ thử hạt nhân.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, nước này đã điều động ít nhất 3 máy bay quân sự tại những căn cứ của Nhật Bản để đo độ phóng xạ. Kết quả cho thấy, chấn động đất ngày 3/9 mạnh gấp 10 lần đợt do vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên vào tháng 9/2016.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng kịch liệt phản đối lần thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên đồng thời nhấn mạnh, vụ thử hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
“Chúng tôi kịch liệt phản đối”, ông Abe nói.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide cho biết những biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên đang được xem xét.
Về phía Hàn Quốc, trong thông báo phát đi, Seoul cho hay vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên mới đây có công suất 100 kiloton, với sức công phá gấp 4-5 lần so với vụ đánh bom hạt nhân ở Nagasaki, Nhật Bản vào năm 1945.
Ông Kim Young-woo, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc cho hay vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có sức mạnh gấp 10 lần vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của nước này.
“Báo cáo tạm thời cho thấy vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên được ước tính có công suất lên tới 100 kiloton. Vụ thử này sẽ gây nên tranh cãi chính trị và là thời điểm chiến lược rất quan trọng”, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Kim cảnh báo.
Trước đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã ghi nhận rung chấn mạnh 6,3 độ Richter xảy ra tại Triều Tiên. Vị trí rung chấn ở khu vực cách thành phố Kimchaek, tỉnh Bắc Hamgyong, khoảng 55km về phía Tây Bắc.
Trung Quốc còn ghi nhận trận động đất thứ hai mạnh 4,6 độ Richter xảy ra không lâu sau trận thứ nhất.
Theo Đất Việt