|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: BBC) |
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA các nhà báo này gồm tổng biên tập và phóng viên thuộc hai tờ báo Chosun Ilbo và Dong-A Ilbo của Hàn Quốc. Những người này bị cáo buộc đăng các bài viết đánh giá liên quan đến cuốn sách viết về chính quyền Triều Tiên.
Cuốn sách có tựa đề "Bí mật Triều Tiên" được xuất bản năm 2015. Cuốn sách được viết bởi 2 tác giả Daniel Tudor, một cựu nhà báo kinh tế và James Pearson, phóng viên của hãng tin Reuters. Triều Tiên chỉ trích cuốn sách đã cố tình “phỉ bang và bóp méo” sự thật về cuộc sống ở Triều Tiên.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 31/8 đã lên tiếng chỉ trích việc Triều Tiên tuyên án tử hình vắng mặt đối với các phóng viên của họ. “Hành vi đe dọa nhà báo của Triều Tiên là vi phạm quyền tự do báo chí và can thiệp vào các vấn đề của Hàn Quốc. Điều này không giúp ích trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều. Chúng tôi yêu cầu Triều Tiên chấm dứt hành vi đe dọa với công dân Hàn Quốc”, thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu rõ.
Từ sau thỏa thuận đình chiến năm 1953, hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật.
Một khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Hoà bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul trên 132 người Triều Tiên đào tẩu cho thấy, có 55,7% số người không tin rằng 2 miền Triều Tiên có thể hòa hợp trở lại.
Có 26% số người được hỏi cho rằng 2 miền có thể bắt tay trở lại trong vòng 10 năm tới, giảm tới 18,9% so với khảo sát năm ngoái, trong khi 9% nghĩ rằng cần đến ít nhất 30 năm.
Theo Dân Trí