|
Rừng sưa 15 năm tuổi xanh tốt của người A Rem. |
Sau 25 năm sống tập trung ở bản mới thuộc xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), người A Rem đã quen phát nương làm rẫy, trồng rừng, nuôi đàn bò hàng trăm con. Trong đó, quý hơn cả là rừng sưa đỏ 8,5ha 15 năm tuổi, do người A Rem trồng, chăm sóc và bảo vệ.
Dẫn khách vào rừng quý, già làng Định Rầu giải thích đây là báu vật của người A Rem, không chỉ vì giá trị tiền tỷ của hàng nghìn gốc sưa mà còn được trồng nhờ ân tình sâu nặng của một lãnh đạo huyện Bố Trạch.
15 năm về trước, dân bản mắc bệnh, ốm đau triền miên không rõ nguyên nhân, nhiều người muốn quay trở lại với núi rừng. Bí thư Huyện ủy Bố Trạch bấy giờ là Nguyễn Hồng Thanh đi xe Uoát, lặn lội cả ngày đường lên với bà con A Rem.
Ông Thanh tìm hiểu, biết bản cũ là khu vực tồn dư chất độc từ thời chiến nên vận động bà con ra bản mới ở Km39 đường 20 Quyết Thắng, đồng thời đưa giống sưa đỏ để phủ xanh bản cũ. Quý ân tình của Bí thư, người A Rem gìn giữ cánh rừng cẩn thận, xem như món quà sâu nặng tình cảm.
|
Nhiều cây sưa có đường kính gốc 80cm, được trả giá hàng chục triệu đồng. |
Già làng Đinh Rầu là một trong những người đi đầu nhân giống sưa, nay có hơn 200 gốc, cây to chu vi đến 80cm. Tiếp bước ông Rầu, 48 hộ dân A Rem nhận giống cây, bỏ công chăm sóc để nay có được 8,5ha rừng sưa xanh tốt. Cây được trồng ngay hàng thẳng lối, xanh ngút ngàn.
Theo Chủ tịch xã Tân Trạch Đinh Lầu, 49 hộ dân được giao giữ rừng sưa, phân lô, đếm cây, chủ hộ đứng ra nhận có giấy tờ đầy đủ. Nhà nào để mất dù chỉ một cây cũng bị cả bản phạt. Mỗi năm hai lượt, bà con kéo nhau vào rừng sưa phát cỏ, dọn cành gãy đổ.
Cách đây khoảng năm năm, khi gỗ sưa lên cơn sốt, nhiều người đổ về A Rem ngã giá để được sở hữu những cây sưa đẹp nhất. “Dù đắt cỡ nào chúng tôi nhất quyết không bán. Người A Rem chưa có ý định bán cánh rừng quý này bao giờ”, anh Đinh Linh, sở hữu hơn trăm gốc sưa, nói.
Anh Đinh Linh nhẩm tính mỗi gốc sưa rẻ nhất 10-15 triệu đồng thì cả rừng cây lên đến hàng chục tỷ đồng. Để tránh mất cắp, dân làng cử người tuần tra suốt đêm, đề phòng kẻ xấu đột nhập.
Cơn bão mạnh bốn năm trước đánh bật nhiều gốc sưa quý hiếm. Sau bão, người dân ra dọn cành, dựng lại cây gãy đổ. “Cũng may, sưa có sức sống mãnh liệt như người A Rem, nhiều cây gượng dậy, xanh tốt”, anh Linh nói.
|
Một góc bản A Rem hiện nay. |
Sống nhờ vào rừng nên người A Rem trân quý, tôn trọng cỏ cây, muông thú và luôn có quy định chặt chẽ trong khai thác để rừng tái sinh, cung cấp bền vững cho nhu cầu của họ. Khi khai thác mật ong, người A Rem luôn để lại 1/3 tổ ong, phần ngon nhất để đàn ong quay trở lại. Tương tự, khi hái lá thuốc hiếm gặp, họ cẩn thận để lại một phần bụi cây.
Nhà của người A Rem làm bằng tre nứa, loài cây tái sinh mạnh mẽ và có nhiều trong rừng. Họ tuyệt nhiên không khai thác gỗ quý làm nhà. Vì thế chính quyền đã tin cậy giao 4.000ha rừng nguyên sinh ở Phong Nha cho người A Rem bảo vệ.
“Hàng nghìn ha rừng giao nhiều năm qua, nhưng chưa lần nào xảy ra mất mát. Người A Rem quý rừng như chim thú quý tổ, họ không lấy của rừng làm của riêng”, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, lý giải tình yêu rừng của bà con A Rem.
Khi mới được phát hiện những năm 60 của thế kỷ trước, tộc A Rem chỉ có 18 người. Đến 1992, dân số tăng lên 98. Đến nay, nhiều hủ tục của người A Rem được xóa bỏ như tục nối dây, tục “nằm chọ”, tức phụ nữ tự sinh đẻ một mình ngoài chòi ở góc vườn, cúng bái mê tín dị đoan, biết ăn chín uống sôi, đau ốm lên bệnh xá. |
Theo VNE