Ngày 31.8, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, nước này đang tổ chức diễn tập quân sự trên vùng biển Hoàng Sa. Theo tọa độ Cục Hải sự Trung Quốc công bố, cuộc diễn tập này được tổ chức chồng lấn lên một vùng biển rộng lớn của Việt Nam.
Trước hành động này của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
"Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết trong ngày 31.8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để nêu rõ lập trường trên của Việt Nam.
Tàu hải giám 46102 của TQ rượt đuổi tàu Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa năm 2014. |
Với hành động trên của Trung Quốc, nhiều ngư dân miền Trung tỏ ra lo lắng. Sáng 2.9, ông Trần Văn Mười (Sơn Trà, Đà Nẵng) chủ tàu vỏ sắt ĐNa 90777 cho hay, các tàu của ông đang đánh bắt trên biển, ngày lễ nhưng không có tàu nào cập bờ. Tuy nhiên, các tàu cá của ông buộc phải rời bỏ ngư trường Hoàng Sa vì Trung Quốc tập trận.
Cách đây 3 ngày (30.8), các tàu của mình đang đánh bắt ở cách Đà Nẵng khoảng 80 hải lý về phía đông. Lúc này, các thuyền trưởng gọi bằng ICOM báo về có rất đông tàu vỏ sắt của Trung Quốc trong khu vực. Họ dùng loa, hú còi, xịt vòi rồng đe dọa yêu cầu các tàu của dân mình rời khỏi khu vực đó. Nghe vậy tôi yêu cầu các thuyền trưởng di chuyển lên phía bắc khoảng 40 hải lý.
"Tuy nhiên, hôm trước (31.8), các thuyền trưởng tiếp tục gọi về thông tin, trên radio thông báo tọa độ Trung Quốc diễn tập quân sự bao trùm cả Hoàng Sa nên tôi yêu cầu các tàu di chuyển xuống phía Nam ở vị trí phải dưới 13 độ”, ông Mười thông tin.
Trong khi đó, ngư dân Lê Văn Chiến (Thanh Khê, Đà Nẵng) chủ tàu ĐNa 90351, cho biết phải tạm dừng chuyến đánh bắt lần này để tránh các rủi ro xảy ra.
“Tàu tui cập bờ cách đây 1 tuần bán hải sản. Hôm qua tôi cho chuẩn bị các nhu yếu phẩm để hôm nay trở lại Hoàng Sa đánh bắt. Tuy nhiên, sáng nay nghe được thông tin Trung Quốc tập trận bao trùm một vùng rộng lớn của Hoàng Sa. Bao nhiêu năm đi biển, biết bao lần Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt..., nhưng phải thấy rằng Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động làm phức tạp tình hình. Lần này tui buộc phải chờ xem tình hình diễn biến như thế nào rồi tính tiếp”, ông Chiến cho biết.
Tàu cá vỏ sắt Trung Quốc ngang ngược đâm va tàu cá vỏ gỗ Đà Nẵng trên biển Hoàng Sa năm 2014. |
Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) sáng hôm nay, khi được hỏi rất nhiều ngư dân miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đang neo đậu tại cảng cho biết đã nhận được thông tin Trung Quốc diễn tập quân sự ở vùng biển Hoàng Sa. Phần lớn ngư dân đều tỏ ra lo lắng trước động thái này của Trung Quốc.
Ngư dân Trần Đình Chiêu (Quảng Ngãi) cho hay: “Ngày trước Trung Quốc có lệnh cấm đánh bắt chúng tôi không sợ, biển mình mình cứ ra. Nhưng lần này họ diễn tập trên biển của chúng ta đúng là quá ngang ngược. Tôi tạm thời chưa ra khơi chờ xem tình hình ra sao đã”.
Về phía cơ quan chức năng, ông Trần Văn Khôi - Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư 3 (đóng tại TP.Đà Nẵng thuộc Bộ NNPTNT) cho hay, đơn vị này luôn sẵn sàng các nhiệm vụ được giao để bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển.
“Thông tin Trung Quốc tập trận trên biển không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của chi đội. Hiện tất cả các tàu trong biên chế của đơn vị vẫn thực hiện nhiệm vụ trên biển bình thường”, ông Khôi nói.
Theo Dân Việt