Liên quan đến việc phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực, thông tin với báo chí ngày 30/8, ông Đàm Văn Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Bắc cho biết, đơn vị này chưa đưa ra được thời gian cụ thể để thực hiện việc phá dỡ giai đoạn 2.
Đại diện Tập đoàn Phương Bắc cho biết, sự chậm trễ trên là do chờ đánh giá từ các chuyên gia của Bộ Xây dựng. Đơn vị này phải căn cứ vào đánh giá của các chuyên gia về độ an toàn, mức độ ảnh hưởng khi phá dỡ thì mới lên phương án giai đoạn 2.
Chuyên gia phản bác
Trao đổi với PV chiều 31/8, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, không thể lấy lý do kết cấu của tòa nhà phức tạp mà không tiến hành phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực.
''Không thể chấp nhận tình trạng chậm tiến độ xử lý sai phạm tiếp diễn, dư luận đã chờ quá lâu rồi. Đặt trong địa vị của tôi, một khi đã sai thì phải tìm cách xử lý bằng được.
Pháp luật là pháp luật, anh sai thì anh phải chịu trách trách nhiệm, phải sửa, ở đây không quan tâm đến quá trình mà quan trọng là kết quả.
Xử lý phần vi phạm là trách nhiệm của bên thiết kế phương án thi công, họ làm như nào là việc của họ, miễn sao đảm bảo đúng tiến độ được đề ra, còn nhà nước không chịu trách nhiệm về việc này'', ông Thám nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, trên thực tế việc phá dỡ một tòa nhà từ cao xuống thấp không quá khó khăn như đơn vị thiết kế phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực nêu ra. Không thiếu những trường hợp tương tự như tòa nhà này, nhưng người ra vẫn xử lý gọn gàng, êm thấm.
"Nếu phá phần sai phạm bằng biện pháp cơ giới gặp khó thì hãy làm bằng phương pháp thủ công, điều này hoàn toàn có thể làm được.
Phần sai phạm nào có thể phá bằng biện pháp cơ giới mà không ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà thì cứ tiến hành.
Phần nào không sử dụng được bằng cơ giới thì anh phải áp dụng phương pháp thủ công, để không bị ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà", TS. Thám đề xuất.
Hệ thống cẩu tháp vẫn nằm dài chờ xử lý phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 2 |
Theo ông, những khó khăn liên quan đến việc xử lý sai phạm của tòa 8B Lê Trực có thể là chỉ là cái cớ để kéo dài thời gian. Từ đó, chủ đầu tư có thể thuyết phục chính quyền đồng ý để lại phần sai phạm của tòa nhà.
Trước nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực có thể sẽ còn kéo dài thêm, lâu dần sự việc sẽ đi vào quên lãng, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh:
"Một khi nhà nước yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ phần sai phạm thì chủ đầu tư phải tiến hành theo đúng yêu cầu. Trong trường hợp chủ đầu tư không xử lý dứt điểm phần sai phạm thì UBND TP.Hà Nội có quyền xử phạt.
Trước mắt có thể xử phạt hành chính, trong trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ì, chống đối thì có thể xem xét xử lý hình sự. Làm được như vậy mới thể hiện được sự thượng tôn pháp luật".
TS. Thám cho rằng, nếu đơn vị thiết kế hiện tại không đưa ra được phương án phá dỡ phù hợp thì cần sớm loại bỏ đơn vị này. Sau đó, nhanh chóng đăng thông tin trên báo chí, tìm những đơn vị thiết kế có khả năng xử lý được phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực bằng hình thức đấu thầu công khai.
"Làm theo cách này, chắc chắn sẽ tìm được đơn vị có khả năng giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng", ông khẳng định.
Liệu có lỗi hẹn?
Theo quan sát của phóng viên chiều 31/8 tại tòa nhà số 8B Lê Trực (P. Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) mọi hoạt động phá dỡ đã ngừng lại.
Hiện tại, hệ thống tháp cẩu vẫn đang lắp đặt tại chân công trình, để phục vụ việc phá dỡ phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực giai đoạn tiếp theo.
Trao đổi với PV, ông Đ.T.H (70 tuổi) một người dân sinh sống gần tòa nhà cho biết:
"Công trình này vẫn đắp chiếu từ khi kết thúc công việc phá dỡ giai đoạn 1 tới nay. Không hiểu vì lý do gì mà không phá dỡ nốt.
Người dân sinh sống quanh đây đều mong ngóng UBND TP sớm xử lý sai phạm của tòa nhà để trả lại không gian sống cho bà con".
Đồng quan điểm, bà P.T.H (62 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) một công chức đã nghỉ hưu bức xúc:
"Gần 2 năm rồi mà chưa xử lý xong sai phạm của tòa nhà. Trong khi đó, những công trình xây dựng của nhà dân chỉ cần thò ra, thụt vào, hay quá chiều cao một tý thôi là đã có cán bộ đến yêu cầu xử lý.
Phải chăng tòa nhà này thuộc diện đặc biệt, không thể xử lý? Dù gì đi chăng nữa, cũng phải sớm có câu trả lời để người dân biết. Nếu không xử lý đến nơi đến chốn, chắc chắn sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến trật tự đô thị trên địa bàn".
Mới đây, tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội về quản lý xây dựng, đô thị sáng 16/8, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ sớm công khai phương án xử lý giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực.
Thông tin thêm việc xử lý nhà 8B Lê Trực, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, TP.Hà Nội đã kiên quyết xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ trưởng Hà cho rằng, dù việc xử lý là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng do đây là vấn đề lớn, nên Bộ đang phối hợp mời các chuyên gia thẩm định phương án xử lý phần giật cấp của công trình.
"Trong tháng 8 Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến chính thức về phương án phá dỡ giai đoạn hai phần sai phạm công trình 8B Lê Trực", Bộ trưởng Hà thông tin.
Theo Đất Việt