GrabBike - Những cuốc xe đời - Kỳ 5: Những câu chuyện buồn

Thứ sáu, 15/09/2017, 11:18
Người triền miên ngập trong nợ nần, kẻ vắn số để lại vợ con nheo nhóc... Những tài xế GrabBike này chỉ có một điểm chung: nghèo.

Ba mẹ và con gái của tài xế xấu số Trần Thanh Sang

Nước mắt đàn ông

Trong giới tài xế GrabBike ở Sài Gòn, có lẽ Nguyễn Tường Duy, 30 tuổi, là một trong những con nợ lớn nhất. Tốt nghiệp trung cấp, Duy vào làm bảo trì điện tại Công ty Nissey VN, sau đó vay ngân hàng 37 triệu đồng (thời hạn 26 tháng) để học lên cao đẳng rồi đại học.

Đang trả góp từ từ thì tháng 10 năm ngoái, cha Duy ở quê nhà (Gò Công Đông, Tiền Giang) phát hiện bị ung thư phổi phải lên Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) chữa trị. Tiền không có nên Duy lại phải mượn bạn bè rồi cầm luôn miếng đất ở quê được 26 triệu đồng để lo cho cha. Nghe nói chạy GrabBike có tiền, Duy mua chiếc Sirius trả góp 2,4 triệu đồng/tháng để chạy kiếm thêm. Nhưng chưa tới một tháng bác sĩ “chê” trả về nhà, vài tuần sau ông mất.
Cha ra đi, nhưng nợ ở lại. Nợ ngân hàng thời đi học chưa trả xong, Duy dính thêm nợ bạn bè và trả góp hằng tháng chiếc Sirius. Ở quê trồng cải mất mùa, nhà không còn tiền, biết thằng con cũng chẳng dư dả gì nên không dám xin, bà mẹ đi vay nóng 2 triệu “bạc 45” (mượn 1 triệu, trả 45.000 đồng/ngày) tiêu đỡ.
“Mẹ trước làm ở Hội Chữ thập đỏ xã được khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, ăn còn không đủ, thế là lãi mẹ chồng lãi con. Chỉ mấy tháng sau, 2 triệu tiền nợ đã biến thành...16 triệu. Khi giang hồ đến nhà đòi nợ, lúc này tui ở Sài Gòn mới biết đành mượn một người bạn trong công ty “bạc 10” (mượn 16 triệu, tiền lời 1,6 triệu đồng/tháng) để trả nợ gấp cho mẹ. Cầm cự trả tiền lời cho bạn được 2 tháng, sau đó kẹt nhiều tiền quá không trả nổi, nên lãi cộng vốn thành 20 triệu. Bạn nói, giờ mỗi tháng trả 2 triệu, trả trong 15 tháng (tổng cộng là 30 triệu đồng) sẽ dứt sạch cả nợ lẫn lãi”, Duy kể.
Duy hiện trọ chung với 3 người bạn trong căn phòng chưa tới 12m2 trong con hẻm “mấy cái xuyệt” trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7. Anh làm việc cho Công ty Nissey VN 6 ngày/tuần, lương được 6,2 triệu đồng/tháng. Đi làm về, Duy xách xe chạy GrabBike từ 18 giờ tối đến 22 - 23 giờ khuya, được thêm khoảng 2,5 triệu/tháng nữa.
Nguyễn Tường Duy khóc 2 lần khi kể về cha, về cuộc đời của mình
Lần nào lãnh lương là hai ngày sau hết sạch vì trả nợ. 2 triệu “bạc 10” trả góp cho bạn, 2,2 triệu trả nợ ngân hàng tiền thời đi học, gửi mẹ 1,5 - 2 triệu. Tiền nhà, ăn uống, sinh hoạt gói gọn trong khoảng 2 - 2,5 triệu/tháng. Cũng may, cái xe Sirius vừa trả xong tháng rồi, nên khoản tiền trả xe Sirius sẽ dồn sang trả ngân hàng.
“Đợt rồi Công ty Grab có hỗ trợ 5 triệu, tui dồn vô lo tiền thuốc thang, hậu sự cho cha, trả góp chiếc Sirius, nợ “bạc 10” nên tiền nợ bên ngân hàng đâu trả được. Hồi tháng 6, họ kêu luật sư gửi giấy đòi tiền nợ trễ hạn, từ 37 triệu bây giờ đã lên tới 54 triệu đồng. Họ còn dọa đưa tui ra tòa vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nói thiệt, họ có đưa ra tòa thì tui cũng chịu, chứ tiền đâu ra nữa”, Duy tâm sự.
Đàn ông hiếm khi rơi nước mắt, nhưng lần nói chuyện với tôi về cha, về cuộc đời, Duy khóc đến 2 lần...
Một đám tang
Đó là câu chuyện buồn về một tài xế GrabBike tôi từng gặp nhưng chưa nói chuyện với nhau câu nào. Chưa nói cũng phải bởi tôi gặp anh tại khu hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy khi anh đang mê man, phải đặt ống thở.
Trần Thanh Sang, 34 tuổi, làm việc trong lực lượng thanh niên xung phong. Ngoài giờ làm việc, anh chạy GrabBike để tăng thu nhập. Trưa 11.7, Sang đang tập huấn quân sự trên Đồng Nai thì bất ngờ té xỉu. Ngay sau đó, anh được đưa vào BV Đồng Nai rồi chuyển sang BV Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê. Theo bác sĩ, Sang bị xuất huyết não. Vài ngày sau, anh mất.
Cả nhà ba mẹ Sang, gia đình anh, em... tổng cộng 13 người sống chen chúc trong một căn nhà gác gỗ lụp xụp chừng hơn 20m2. Riêng Sang cùng vợ và hai con được một cái phòng riêng chưa đến... 5m2. Thứ quý giá nhất là cái ti vi và tủ thờ cũng là đồ cho. “Người ta dọn nhà, cho cái tủ thờ, tốn 50.000 đồng để thuê xe chở về đó”.
Chị Nguyễn Thị Bé Chính, vợ Sang, kể: “Hai vợ chồng đều làm trong thanh niên xung phong, lương 4 triệu đồng/người/tháng nên từ tháng 10 năm ngoái, ảnh đăng ký chạy GrabBike kiếm thêm. Đi làm về 16 - 17 giờ, ảnh ăn vội miếng cơm là chạy GrabBike tới 22 - 23 giờ đêm. Chủ nhật ảnh chạy từ sáng tới tối. Chắc làm việc quá sức nên ảnh mới vậy”.
Ba Sang là bác Trần Văn Xin, 74 tuổi, đang làm bảo vệ ban đêm cho một công ty nhựa, lương 3,5 triệu đồng/tháng. Ông bị viêm khớp dạng thấp, mỗi tháng tốn khoảng 100.000 đồng tiền thuốc giảm đau. Mẹ Sang 70 tuổi, bị tai biến 10 năm nay chỉ ngồi một chỗ, không đi lại được. Mỗi tháng bà được lãnh 950.000 đồng tiền người già bệnh tật nhưng tốn hết 750.000 đồng tiền thuốc (đã có bảo hiểm y tế).
Chồng chết vài ngày, chị Bé Chính đã phải đi làm trở lại. “Gia đình mất một nguồn lao động chính nên em định đăng ký chạy GrabBike và giao hàng để đỡ phần nào. UBND phường cũng nói xin giảm học phí cho tụi nhỏ nhưng không biết có được hay không”, chị nói.
Mới đây tôi lại ghé thăm. Ông cha đang phụ đứa con dâu làm đinh lợp tôn gia công với giá 600 đồng/kg. Một ngày làm được khoảng 30 kg là 18.000 đồng. Căn nhà nhỏ hẹp càng chật hơn vì phải kê thêm cái bàn thờ nhỏ cúng cơm cho Sang. Bà mẹ vẫn ngồi trên chiếc giường khai ngái mùi nước tiểu, sụt sùi khi nói về thằng con vắn số. Con bé út 2 tuổi cười khanh khách, chập chững chạy lại bàn thờ, bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy tấm hình của ba nó: “Ba, ba, cơm, cơm...”.
Những cuốc xe bệnh viện
Những cuốc xe chở khách đến BV thường mang những dư vị buồn. Ngày 22.6, chạy vòng vòng kiếm khách, ngang qua BV FV (Q.7) thì điện thoại “nổ cuốc”. Người gọi là một phụ nữ, khoảng ngoài 30 tuổi. Chị cần đến BV Nhi đồng 1 (Q.10). Những khách từ BV đa phần đều buồn nên tôi ít khi hỏi nhiều vì sợ chạm vào nỗi đau của họ, nhưng những câu kể chắp nối của chị làm tôi tò mò hơn.
“Chị thăm ai ở Nhi đồng 1 à?”, tôi hỏi. “Chị chăm đứa nhỏ sinh thiếu tháng. Nó lọt ra khi mới 6 tháng, lúc đó chỉ có 700gr. Tội nghiệp, nó cũng muốn sống lắm nên theo xe cấp cứu từ Cà Mau lên Sài Gòn hết 8 tiếng mà vẫn không sao. Nhưng tới giờ thì...”, chị nói đến đó rồi bỏ lửng, giọng buồn thiu.
Hỏi thêm mới biết, chị đang làm ở một phòng thí nghiệm, phải tạm nghỉ việc lên đây một mình chăm con. Chồng ở lại Cà Mau tiếp tục cày kiếm tiền gửi lên cho vợ. Đứa nhỏ sau 2 tháng nằm lồng kính BV Nhi đồng 1 đã bị bác sĩ...“chê”. Còn nước còn tát, chị chạy qua BV FV hỏi cầu may nhưng BV này cũng... lắc đầu.
Quãng đường chở chị như dài ra, nặng nề hẳn. Đến cổng BV, để bày tỏ sự chia sẻ với nỗi đau của chị, tôi nói chỉ chở giùm, không lấy tiền cuốc xe 42.000 đồng. Dù vậy, chị vẫn dứt khoát dúi vào tay tôi, “bo” thêm 8.000 đồng nữa: “Em chạy xe dang nắng cũng cực. Chị còn cầm cự được”.
Lần đầu tiên trong những ngày chạy xe, cầm tiền “bo” của khách mà lòng chẳng thể nào vui được.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn