Lý do Nhật Bản "bất lực" nhìn tên lửa Triều Tiên bay qua

Thứ sáu, 15/09/2017, 09:45
Dù dự đoán trước khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo nhưng Nhật Bản vẫn không phản ứng bằng cách khai hỏa tên lửa đánh chặn.

Tên lửa đánh chặn SM-6 trang bị trên tàu khu trục lớp Arleigh-Burke của Mỹ.

Theo News.com.au, chuông báo động một lần nữa vang lên trên đảo Hokkaido của Nhật Bản. Một quả tên lửa đạn đạo Triều Tiên lại bay qua không phận nước này.

Nhật Bản tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ người dân, trong khi hối thúc mọi người tìm nơi trú ẩn. Trên thực tế, quân đội Nhật Bản không có nhiều lựa chọn đáp trả.

Vụ phóng tên lửa được phát hiện vào 6 giờ 59 phút (giờ địa phương). 7 phút sau đó, tên lửa Triều Tiên đã bay quay khu vực Đông dân cư trên đảo Hokkaido. Tên lửa bay qua không phận Nhật Bản trong 2 phút trước khi rơi xuống Thái Bình Dương, cách Hokkaido khoảng 2.000km vào lúc 7 giờ 16 phút.

Thông tin ban đầu nói tên lửa Triều Tiên chỉ mất 17 phút để bay xa 3.700km, tầm cao 770km. Đây là dấu hiệu của loại tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ngoài lý do Nhật Bản không muốn mạo hiểm đánh chặn tên lửa Triều Tiên, giới chuyên gia nhận định Tokyo về cơ bản cũng không thể kịp phản ứng.

Hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 Nhật Bản đặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Tokyo.

Cụ thể, giới chức Nhật Bản không thể kịp ra lệnh phóng tên lửa đánh chặn trong khi hệ thống radar Aegis gắn trên các tàu khu trục vẫn còn đang bận tính toán đường bay của mục tiêu.

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay rất nhanh và rất cao. Thời gian phản ứng cũng phải nhanh ngang tốc độ ánh sáng. Giới chức Nhật Bản cũng không có thời gian cho quyết định chính trị hay tham khảo ý kiến với đồng minh.

Theo các chuyên gia, Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo bay rất cao ở giai đoạn đầu tiên và sau đó mới đưa tên lửa qua không phận Nhật Bản. Các hệ thống SM-3 hay Patriot PAC-3 không thể kịp ngắm bắn.

Một khi đã ở trên không phận Nhật Bản, Hwasong-12 bay quá nhanh và quá cao, vượt tầm bắn của các hệ thống PAC3 tại căn cứ không quân Chitose, Hokkaido.

“Trong giai đoạn tên lửa gia tăng tốc độ, hệ thống đánh chặn SM-3 không thể theo kịp”, chuyên gia Kingston Reif thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ đánh giá. “Việc đánh chặn tên lửa còn phụ thuộc vào quỹ đạo bay, thời gian phản ứng và số lượng tàu chiến có mặt trong khu vực”.

Đường bay của tên lửa đạn đao Triều Tiên phóng qua Nhật Bản ngày 15.9.

Nhà phân tích quốc phòng Lance Gatling nói: “Nhật Bản đã chi nhiều tiền cho các hệ thống tên lửa. Nếu đánh chặn không thành công, không chỉ người dân Nhật mất niềm tin mà Triều Tiên còn tự tin cho rằng, tên lửa của họ không thể bị vô hiệu hóa”.

Giới chuyên gia nhận định, thay vì tìm cách đánh chặn tên lửa Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể lựa chọn cách cứng rắn hơn.

Nội bộ Nhật Bản hiện vẫn đang tranh cãi về khả năng cho phép áp dụng chiến lược tấn công phủ đầu. Sự xuất hiện của các chiến đấu cơ F-35 ở Nhật Bản cũng phần nào cho thấy Tokyo đang theo đuổi chiến lược này.

Trong tương lai, nếu muốn tấn công phủ đầu hiệu quả, Tokyo sẽ phải sửa đổi hiến pháp, mua thêm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

“Lời kêu gọi đánh chặn tên lửa Triều Tiên chỉ phản ánh sự tự tin thái quá và phụ thuộc vào hệ thống phòng thủ tên lửa”, chuyên gia Reif nói. “Đó không phải là lối thoát đáng tin cậy cho Mỹ và các đồng minh trước mối đe dọa tên lửa hạt nhân Triều Tiên”.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn