Nga bán dầu cho Triều Tiên bất chấp Mỹ cấm đoán

Thứ năm, 14/09/2017, 14:14
Việc ngừng xuất khẩu dầu sang Bình Nhưỡng sẽ chỉ làm tổn thương người dân nước này khi làm hủy hoại các cơ sở y tế và cơ sở dân dụng khác.

Dù công khai ủng hộ toàn bộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng nhưng Nga cũng vẫn tiếp tục hỗ trợ Triều Tiên trong các lĩnh vực khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu cho Triều Tiên bất chấp nỗ lực áp đặt từ phía Mỹ.

Nga - Triều Tiên cùng bị cấm vận và trừng phạt liên tiếp từ quốc tế.

Theo ông Putin, Mỹ và các quốc gia đồng minh của họ muốn gia tăng trừng phạt Triều Tiên bằng cách đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lệnh cấm xuất khẩu dầu cho Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên Nga có quyền phủ quyết mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên đề xuất này của Washington khó có thể thông qua.

Nhà lãnh đạo Nga lập luận, 40.000 tấn dầu mà Nga xuất khẩu cho Triều Tiên mỗi năm là con số nhỏ so với nhu cầu thực sự mà Bình Nhưỡng có thể sử dụng để phát triển công nghệ hạt nhân như Mỹ cáo buộc.

Hơn nữa, việc ngừng xuất khẩu dầu sang Bình Nhưỡng sẽ chỉ  làm tổn thương người dân nước này khi làm hủy hoại các cơ sở y tế và cơ sở dân dụng khác.

Dẫu Tổng thống Putin đã lập luận hết sức thuyết phục và nhân văn, giới chức Mỹ vẫn không từ bỏ nỗ lực vừa triệt tiêu con đường tồn tại của Bình Nhưỡng, vừa kiềm chế khả năng thích ứng trong cấm vận của Nga.

Bằng chứng là các quan chức Mỹ đã tung ra các biểu hiện bất thường cho thấy doanh nghiệp Nga xuất khẩu lậu dầu cho Bình Nhưỡng.

Theo đó, các tàu chở dầu giữa cảng Triều Tiên và Thành phố Vladivostok phía Đông Nga từ mùa xuân năm nay có dấu hiệu gia tăng.

Tình trạng này diễn ra khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc cắt giảm dầu cho Bình Nhưỡng dưới sức ép của Mỹ.

Tờ Straits Times trích dẫn các tài liệu của quan chức thực thi pháp luật Mỹ, trong đó đề cập tới công ty Nga có tên là Velmur có nhiều dấu hiệu khả nghi và có thể là một công ty của Nga lập nên để giao dịch lậu với Bình Nhưỡng.

Công ty quản lý bất động sản do Nga thành lập tại Singapore vào năm 2014 này đã có giao dịch lên tới hàng triệu USD với Triều Tiên trong lĩnh vực mua bán dầu thô nhưng không có trụ sở chính thức, không văn phòng cụ thể, thậm chí không có cả website để liên hệ.

Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đã đặt nghi vấn, công ty này nằm trong đường dây rửa tiền cho Triều Tiên khi giao dịch với Triều Tiên bằng tiền mặt và mang khoản tiền này thanh toán cho 1 công ty dầu khí của Nga.

Thành phố Vladivostok của Nga giáp biên giới Triều Tiên.

Đặt giả thuyết các lập luận và bằng chứng của Mỹ là khả thi, việc Nga hợp tác với Triều Tiên cũng không quá khó hiểu.

Trong bối cảnh Nga đang chịu cấm vận kinh tế từ các nước phương Tây và áp dụng đáp trả trừng phạt trong một số sản phẩm xuất khẩu của mình, việc tìm kiếm bất cứ một quốc gia nào mang lại khả năng có thể hợp tác là điều đương nhiên.

Điều đáng nói, Triều Tiên là quốc gia cũng đang chịu các biện pháp trừng phạt không riêng của Mỹ, phương Tây mà còn của cả người hàng xóm là đồng minh lâu năm - Trung Quốc và của cả Liên Hiệp Quốc.

Nga và Triều Tiên trong tình huống này rất dễ "thuận mua vừa bán" trong nhiều lĩnh vực và "lách luật" để hợp tác đôi bên cùng có lợi là điều thường thấy không chỉ ở riêng hai quốc gia này.

Chưa kể, tuy Triều Tiên không có tiềm lực kinh tế lớn mạnh nhưng đặt trong tình trạng cấm vận, nước này có xu hướng sẽ thúc đẩy tiến trình thực hiện các thỏa thuận hợp tác với Nga nhanh hơn với những quốc gia "đỏng đảnh" như Trung Quốc.

Thực tế đã cho thấy Nga nhận nhiều miếng "bánh vẽ" của Bắc Kinh và việc hợp tác với Triều Tiên sẽ mang lại cho Moscow sự an tâm trước mắt.

Trong quan hệ hợp tác này, phía Nga sẽ có phần hưởng được ít lợi ích hơn so với Triều Tiên. Song với một quốc gia không e ngại bất cứ đất nước nào khác trên thế giới- kể cả Mỹ- như Triều Tiên thì Nga hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hợp tác lâu dài - và không e sợ một ngày bị phản bội.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn