Nga tung MiG-29SMT đến thử lửa ở Syria
Ngày 13 tháng 9, Bộ quốc phòng Nga đã chính thức xác nhận việc Lực lượng hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) đã chính thức triển khai máy bay chiến đấu đa chức năng Mikoyan MiG-29SMT Fulcrum sang chiến trường Syria để đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ chiến đấu.
Hồi đầu tuần này, những bức ảnh không chính thức của những chiếc tiêm kích đa năng MiG-29SMT ở Syria đã xuất hiện trên mạng xã hội; tuy nhiên, đến hôm 13/9 việc triển khai mới được chính thức xác nhận.
Theo đó, trên twitter chính thức của Bộ quốc phòng Nga đã đăng tải những bức ảnh về hoạt động của MiG-29SMT tại căn cứ không quân Hmeymim của Nga, thuộc tỉnh tây bắc Syria là Latakia. Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Nga không cho biết những chiếc máy bay này được đưa sang Syria từ khi nào.
MiG-29SMT là một phiên bản hiện đại của máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum, do Hãng chế tạo máy bay Mikoyan (JSC Russian Aircraft Corporation MiG, gọi tắt là RSK MiG) sản xuất, được nâng cấp, hiện đại hóa rất sâu trên cơ sở phiên bản MiG-29 đời đầu.
So với phiên bản cơ sở, MiG-29SMT có phạm vi tác chiến cao hơn; khả năng mang tải vũ khí lớn hơn; có thể mang theo các vũ khí không đối không, không đối đất, không đối hạm chính xác cao. Máy bay chiến đấu kết hợp buồng lái và hệ thống điện tử nâng cao, thùng nhiên liệu bổ sung và động cơ được nâng cấp.
MiG-29SMT được triển khai ở sân bay Hmeymim, cách các tỉnh biên giới phía Nam là Quneitra, Daraa và Suwayda từ 200-350km; cách thành phố Deir Ezzor khoảng 380km, đến thị trấn al-Mayadin là 410km và đến thị trấn Abu Kamal nằm giáp với biên giới Iraq là khoảng 470km.
MiG-29SMT của Không quân Nga đã được điều động sang tham chiến ở Syria |
Với bán kính tác chiến được mở rộng lên khoảng 700km, MiG-29SMT sẽ có khả năng tấn công tới mọi khu vực trên lãnh thổ Syria, từ khu vực các tỉnh xung quanh như Aleppo, Idlib đến biên giới phía Nam Syria giáp Jordan, Israel và chiến trường Deir Ezzor giáp biên giới Iraq, Jordan.
Như vậy Nga đã có một phương tiện tác chiến đa năng, có khả năng không chiến, đối hải và tấn công mặt đất rất mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho các cường kích Su-25, máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM và Su-35…
Với việc lần đầu tiên có một chiếc MiG-29 thế hệ mới xuất hiện trên bầu trời Syria, hãng chế tạo hàng không Mikoyan cũng sẽ có cơ hội hoàn thiện các sản phẩm của mình, vốn không được ưa chuộng bằng các máy bay dòng Sukhoi ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Cùng với việc đưa MiG-29SMT sang thử lửa ở chiến trường Syria, Nga đã điều một xe vận tải lớn chở quân tiếp viện và các thiết bị chiến đấu đến Deir Ezzor, tăng cường lực lượng và vũ khí cho Bộ Tư lệnh Quân đội Arab Syria triển khai trong và xung quanh thủ phủ của tỉnh.
Syria mở giai đoạn 3/phần 2 chiến dịch Deir Ezzor
Vừa qua, Syria đã vạch kế hoạch tác chiến cho cuộc tấn công giải tỏa vòng vây của IS ở Deir Ezzor chia thành 3 giai đoạn, trong đó trọng tâm sẽ là nối thông đường Quốc lộ cao tốc M20, chạy từ Tây sang Đông, nối từ Homs đến thành phố cổ Palmyra, tới thành phố Deir Ezzor.
Giai đoạn đầu tiên, lực lượng quân đội Syria tập kết ở Palmyra và sử dụng thành phố cổ này làm bàn đạp để đánh dọc theo con đường quốc lộ cao tốc M20, nhổ các cứ điểm của IS để giải phóng thành phố chiến lược al-Sukhnah, nằm cách Palmyra khoảng 45km về phía Đông.
Trong khi đó, mũi tiến công phía Bắc đánh từ phía Nam Raqqa xuống được lực lượng máy bay vận tải Nga hỗ trợ nhảy dù vào sâu trong lòng IS, đánh xuống phía Nam hợp với mũi tấn công ở Sukhnar, bao vây chia cắt IS ở 2 “nồi hầm” thuộc tỉnh Homs.
Trong giai đoạn thứ 2, các mũi tấn công của Syria đã đánh sang phía Đông nhanh chóng chiếm thị trấn Kobajjeb, nằm cách Sukhnar khoảng 70km và thần tốc áp sát thành phố Deir Ezzor, thọc sâu xuyên qua vòng vây IS để bắt tay với lực lượng Vệ binh Cộng hòa đang trấn thủ thành phố.
Ngay khi giải tỏa được căn cứ không quân Deir Ezzor, nối thông hai nửa thành phố bị chia cắt, SAA sẽ tiếp tục phát động phần 3 của kế hoạch giải phóng Deir Ezzor, phát động một cuộc tấn công ở các vùng nông thôn; truy quét lực lượng khủng bố IS ra xa thành phố và truy đuổi chúng ra khỏi vùng sa mạc của Syria; chiếm lại toàn bộ tỉnh Deir Ezzor.
Đồng thời, họ có thể mở phần 2 của chiến dịch là vượt qua bờ Đông sông Euphrates đánh chiếm toàn bộ vùng sa mạc nằm ở giáp biên giới với Iraq, chặn đường tiến của liên quân FSA, người Kurd do Mỹ hậu thuẫn, đang tiến xuống mạnh mẽ từ hướng căn cứ al-Shaddadi ở phía nam al-Hasakah xuống.
Theo nhận định của các chuyên gia, Nga và Syria sẽ không thể chờ đợi để thực hiện hết giai đoạn 3 của Phần 1 rồi mới mở tiếp Phần 2 của chiến dịch, bởi Mỹ đã hỗ trợ cho người Kurd và FSA tiến xuống Deir Ezzor. Do đó, Syria sẽ bắt tay thực hiện Phần 2, đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện Phần 1, tức là vừa vượt qua bờ Đông sông Euphrates, vừa tiếp tục truy quét Is ở khu vực bờ Tây sông.
Trong những động thái mới nhất, giới truyền thông địa phương dẫn nguồn tin từ lực lượng đối lập cho biết, trong mấy ngày qua, Quân đội Nga đã triển khai hàng đoàn xe công binh và các hệ thống cầu phao lắp ghép đến bờ Tây sông Euphrates, ở vùng nông thôn Deir Ezzor phía Bắc.
Đoàn xe của công binh, cầu phà Nga di chuyển đến bờ sông Euphrates |
Nếu các tuyên bố này là đúng và quân đội Syria vượt qua bờ phía Đông của sông, điều này có thể dự báo trước một cuộc đụng độ quyết liệt với lực lượng vũ trang người Kurd và nhóm FSA ở al-Shaddadi. Đồng thời, nguy cơ bị không quân Mỹ không kích là rất cao.
Các nguồn tin đăng hình ảnh trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy hàng đoàn thiết bị quân sự của Nga đang di chuyển đến gần bờ phía Tây của sông Euphrates. Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định rằng, lực lượng Tiger và các đồng minh của họ chưa vượt qua sông Euphrates.
Theo giới truyền thông, dường như SAA đang chờ đợi một điều gì đó, hoặc là chờ Nga sắp xếp binh lực hoặc họ còn thiếu yếu tố cần thiết để đảm bảo chỗ đứng chân vững chắc trước các lực lượng Mỹ, ở khu vực nhiều dầu mỏ nhất của Deir Ezzor và cũng là của cả Syria.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, lực lượng vượt sông sẽ là các lực lượng chủ lực của SAA, còn sẽ có một bộ phận lực lượng đặc nhiệm được Nga “cõng” qua sông bằng máy bay vận tải để chốt chặn trước những khu vực hiểm yếu, để yểm trợ cho phần lớn binh lực qua sông an toàn.
Do đó, Nga và Syria cần xây dựng kế hoạch trước rồi mới thực hiện chứ không nôn nóng vượt sông một cách tự phát, rất dễ bị tấn công giữa chừng. Tuy nhiên, trước tính chất cấp bách của cuộc chiến, việc vượt sông có lẽ sẽ sớm diễn ra trong một vài ngày tới.
Theo Đất Việt