|
Cờ của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh |
Các công ty nước ngoài thường than phiền về một sân chơi không bình đẳng và môi trường điều tiết không rõ ràng khi hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã công khai tuyên bố sẽ nhanh chóng có biện pháp nhằm thúc đẩy thị trường công bằng, mở cửa và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cho tới nay tất cả vẫn chỉ là lời nói.
Theo CNBC, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc mới đây đã phải lên tiếng thúc giục Bắc Kinh thực hiện lời hứa mở cửa thị trường. “Nếu Trung Quốc không muốn cung cấp khả năng tiếp cận thị trường của họ, thì không thể có trường hợp họ sẽ tiếp tục được phép tận hưởng ưu đãi mà không bị cản trở ở châu Âu. Cách tiếp cận tự do, sáp nhập và mua lại sẽ chỉ có hiệu quả nếu tất cả các bên đều tiến tới bình đẳng và loại bỏ các rào cản”, trích thư của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu.
“Chúng tôi không biết liệu Trung Quốc có thực hiện được các cam kết mà họ đã đưa ra hay không. Chúng tôi cần thấy những biện pháp thiết thực từ nhà nước Trung Quốc để thấy rằng họ đang thực sự cởi mở hơn”, Mats Harborn, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu, nói.
Các công ty nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về một sân chơi không bình đẳng và quy định điều tiết môi trường kinh doanh không rõ ràng mỗi khi nhắc đến Trung Quốc. Khoảng 54% công ty châu Âu cho biết họ nhận thức được đang bị đối xử thiếu công bằng so với các công ty trong nước của Đại lục.
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu kêu gọi Trung Quốc nên tận dụng Đại hội Đảng toàn quốc sắp diễn ra để tiến tới cải cách. Đồng thời mong muốn Bắc Kinh cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò lớn hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn ngành và tiếp cận chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Trung Quốc cũng nên tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn bằng cách tránh xa việc thành lập các khu thương mại với ưu đãi ngắn hạn. Thực tế đó không hấp dẫn các công ty châu Âu thường đưa ra quyết định đầu tư dựa trên nguyên tắc thị trường.
Lượng tiền đầu tư của hai bên hiện đang chảy theo hai hướng khác nhau. Đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) vẫn ổn định ở mức 10,4 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, trong khi đó đầu tư của EU vào Trung Quốc giảm 23% xuống còn 3,7 tỉ USD cùng kỳ. Như thường lệ, các công ty quốc tế vẫn phải tìm kiếm một đối tác địa phương để hợp tác nếu muốn bước vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một hạn chế làm cho họ cảm thấy lo lắng về nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ hoặc bí mật thương mại.
Rào cản luật pháp cũng đang lan rộng tại thị trường nước này. Luật về an ninh mạng được Trung Quốc bắt đầu áp dụng hồi tháng 6.2017 mơ hồ đến nỗi nhiều doanh nghiệp nước ngoài không biết nên hoạt động theo hướng nào. “Dường như các nhà chức trách Trung Quốc thường xuyên sử dụng công cụ cũ trong thế giới mới và tạo ra các khuôn khổ pháp lý mờ ảo, không rõ ràng và không thể dự đoán được”, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu nhận xét.
Theo Thanh Niên