Bán dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc: Có những nguy cơ

Thứ tư, 20/09/2017, 13:15
Điều nguy hiểm nhất là việc này tạo ra tiền lệ xấu trong hoạt động ngoại thương của Việt Nam: các doanh nghiệp cứ bán rẻ cũng không sao.

Nguy cơ bán dầu cho Trung Quốc rồi lại mua dầu của Trung Quốc

Theo Tổng cục Hải quan, trung bình giá xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang thị trường các nước 8 tháng đầu năm vào khoảng 408 USD mỗi tấn (khoảng 9,3 triệu đồng). Tuy nhiên, giá bán dầu thô Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt mức 400 USD mỗi tấn (9,1 triệu đồng).

Luỹ kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,9 triệu tấn dầu thô. Trong đó, riêng xuất sang Trung Quốc là 1,7 triệu tấn (chiếm gần 35% sản lượng) tương đương giá trị 680 triệu USD.

Với mức giá dầu thô xuất sang Trung Quốc rẻ hơn giá xuất khẩu trung bình 200.000 đồng mỗi tấn, việc bán 1,7 triệu tấn dầu thô sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam mất hơn 340 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, một số chuyên gia kinh tế không tỏ ra bất ngờ trước những con số này bởi hàng Việt Nam xuất thô, bán rẻ không phải là chuyện lạ.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong hoạt động ngoại thương, không phải chỉ với Trung Quốc, mà với các nước trên thế giới, hầu hết hàng hóa Việt Nam trước nay đều có giá rẻ hơn giá bán trên thị trường quốc tế, từ lúa gạo đến cà phê, điều, hồ tiêu, thủy sản...

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc

"Các doanh nghiệp thương mại Việt Nam trước nay vẫn làm ăn theo đường mòn lối cũ kiểu của doanh nghiệp nhà nước dẫn đến hệ quả là hàng hóa trên thị trường quốc tế của Việt Nam đều bị các nước mua bán với giá rẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng đó là do các nhà buôn quốc tế chèn ép nhà buôn Việt Nam. Nhưng thực ra, trong chuyện đàm phán kinh doanh, xuất nhập khẩu, Việt Nam còn quá non nớt, yếu kém khiến doanh nghiệp Việt không có ưu thế trước các đối tác khác.

Trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc, Việt Nam đã quen với trạng thái đàm phán mà không có sự khéo léo, cương quyết, chưa kể các nhà buôn Trung Quốc quá hiểu Việt Nam và sẵn sàng làm mọi việc nhằm đạt mục đích, mong muốn của họ", PGS Thịnh nhận xét.

Riêng đối với việc Việt Nam xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc với giá rẻ hơn so với mức trung bình, vị chuyên gia cho rằng điều này có thể liên quan đến yếu tố về địa lý, Việt Nam ở gần Trung Quốc nên giá vận chuyển rẻ hơn tuy nhiên đây không phải là lý do chính.

"Có nhiều vấn đề trong việc xuất khẩu này, kể cả chuyện người Trung Quốc quá hiểu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ, PVN là người xuất khẩu mang tính nhà nước, các cá nhân đi đàm phán không có tính chủ động và độ lỳ cần thiết", ông Thịnh phân tích.

Từ đây, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị kiểm toán cần vào cuộc để làm rõ việc có hay không chuyện móc ngoặc hay lợi ích nhóm trong việc bán dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trong vấn đề này, cần làm rõ việc xuất nhập khẩu dầu thô của Việt Nam được tính theo nguyên tắc nào.

"Việt Nam thường áp dụng nguyên tắc nhập CIF-xuất FOB, tức giá nhập khẩu thì tính giá hàng cộng với giá vận chuyển đến cảng Việt Nam. Còn giá xuất khẩu thì tính giá FOB, tức chỉ tính giá xuất ở cảng Việt Nam là bao nhiêu, không cộng giá vận chuyển vào.

Tôi không rõ việc xuất nhập khẩu dầu của Việt Nam tính như thế nào. Nếu tính theo giá CIF thì đúng là rẻ hơn vì xuất sang Trung Quốc thì chi phí vận chuyển ít hơn, trong khi xuất đi nước khác chi phí vận chuyển cao hơn nên giá bị đội lên". PGS.TS Nguyễn Văn Nam bày tỏ.

Tuy nhiên, cả hai vị chuyên gia đều nhìn nhận hệ quả trước mắt của việc Việt Nam bán dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc là phần lợi nhuận của Việt Nam bị giảm đi đáng kể. Mặt khác, nó tạo ra tiền lệ xấu cho hoạt động ngoại thương của Việt Nam

"Nếu Việt Nam sản xuất, kinh doanh tốt thì đã có giá khác và hiệu quả sẽ được nâng cao, đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước. Nhưng điều nguy hiểm nhất là nó tạo ra tiền lệ xấu và các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đàm phán có thể cứ đi theo con đường đó: bán rẻ cũng không sao, không sợ gì cả, mà như thế thì không ổn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Vị chuyên gia nhắc lại bài học than Việt Nam đã và đang trải qua. Theo đó, thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu than sang Trung Quốc rồi lại nhập than Trung Quốc về với giá cao nhất so với các thị trường khác phục vụ cho các dự án nhiệt điện ở Việt Nam mà chủ yếu do Trung QUốc làm chủ đầu tư.

"Bài học ấy hoàn toàn có thể lặp lại dầu thô. Trung Quốc có thể mua rẻ dầu thô Việt Nam về chế biến rồi bán lại cho Việt Nam với giá cao.

Đặc biệt, rất nhiều nguyên liệu, khoáng sản Việt Nam đang bán giá rẻ cho Trung Quốc và chuyện này đã được chúng tôi cảnh báo cách đây cả chục năm.

Trung Quốc được ví von là một trong những máy hút nhiên liệu của thế giới vì họ cần nhiều nguyên, nhiên liệu của thế giới để phục vụ cho quá trình CNH-HĐH.

Từ những năm 2008-2009, Trung Quốc đã cố gắng tích trữ dầu thô để đảm bảo an ninh năng lượng cho quá trình sản xuất kinh doanh đang lớn lên rất nhanh và ngốn rất nhiều dầu của họ. Mặt khác, không loại trừ việc nếu có điều kiện họ sẽ bán ra để thu lời khi giá dầu cao lên.

Việt Nam đã có rất nhiều bài học khoáng sản, có điều dẫu có học bao nhiêu bài học thì vẫn cứ thế", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn.

Đào, xúc, hút mãi, đời sau còn gì?

Từ câu chuyện của than, dầu thô và hàng loạt hàng hóa khác, PGS.TS Nguyễn Văn Nam trăn trở, tại sao Việt Nam đã bị hớ với  Trung Quốc quá nhiều lần và những câu chuyện tương tự nhau cứ lặp đi lặp lại hàng chục năm qua nhưng vẫn không sao thay đổi được? Đằng sau đó là cái gì?

Ông thẳng thắn cho rằng, Việt Nam đến nay vẫn chưa thể là một khách hàng, một bạn hàng ngang hàng với Trung Quốc.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: "Trước đây, nhiều người đặt ra vấn đề: nếu Việt Nam không khai thác, không bán khoáng sản thì chúng sẽ chỉ là đống đất, không phát huy giá trị gì, trong khi Việt Nam đang thiếu tiền để phát triển. Do đó, việc khai thác, bán nguyên, nhiên liệu là quan trọng và cần thiết.

Thế nhưng nếu cứ đào, xúc, hút mãi thì cả núi tài nguyên cũng hết, sẽ còn lại gì cho thế hệ sau? Bởi thế, đã đến lúc để những tài nguyên, khoáng sản đó cho thế hệ tương lai, khi Việt Nam có trình độ, năng lực cao, khi đó đem chúng ra sử dụng sẽ có lợi cho đất nước nhiều hơn".

PVN: Giá bán dầu luôn cao nhất tại thời điểm bán

Liên quan đến hoạt động xuất bán dầu thô, ngày 18/9, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ra thông cáo về vấn đề này.

Theo PVN, chất lượng các loại dầu thô của Việt Nam có sự khác nhau nên giá trị thương mại trên thị trường quốc tế cũng khác nhau, có thể chênh lệch đến 2USD/thùng (tương đương 17 - 18USD/tấn) giữa dầu thô chất lượng cao (như từ mỏ Bạch Hổ, mỏ Sư tử đen…) và các loại dầu thô khác. Ngoài ra, giá bán dầu thô còn phụ thuộc vào tình hình thị trường dầu mỏ tại thời điểm xuất bán.

Việc xuất bán dầu thô của Việt Nam được thực hiện dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ theo quy trình đấu thầu và sự thống nhất tuyệt đối của các chủ mỏ dầu Việt Nam và nước ngoài tại các dự án khai thác dầu khí.

Các lô dầu xuất khẩu đều được bán theo hình thức đấu thầu đảm bảo công bằng, minh bạch, hiệu quả và an toàn cho khai thác mỏ.

Giá bán của tất cả các lô dầu đều là giá cao nhất tại thời điểm bán, phù hợp với các điều kiện kỹ thuật mà các chủ mỏ dầu (bao gồm PVN và các đối tác là công ty dầu khí quốc tế) đặt ra.

PVN cho biết, giá xuất khẩu dầu thô Việt Nam trung bình cho cả giai đoạn 8 tháng năm 2017 là 402,41 USD/tấn.

Dầu thô Việt Nam được xuất bán đến thị trường Trung Quốc bao gồm một phần từ khách hàng Trung Quốc tham gia đấu thầu mua trực tiếp, một phần do các công ty kinh doanh dầu thô quốc tế mua dầu thô của Việt Nam rồi bán lại vào thị trường Trung Quốc.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, khách hàng Trung Quốc (là công ty Dầu Unipec) đã tham gia trực tiếp mua dầu thô từ Việt Nam với tổng khối lượng mua khoảng 1,78 triệu tấn (chiếm khoảng 20% tổng sản lượng dầu thô Việt Nam sản xuất và khoảng 35% tổng sản lượng dầu thô Việt Nam xuất khẩu) có tổng giá trị đạt 733 triệu USD.

Các loại dầu thô Việt Nam được khách hàng Trung Quốc mua trong giai đoạn này đến từ các mỏ: Sư Tử Đen, Rạng Đông, Ruby, Chim Sáo, Thăng Long  (là các mỏ dầu khí có sự tham gia của các chủ mỏ dầu nước ngoài đang tiến hành khai thác tại Việt Nam với vai trò là người bán như SK và KNOC (Hàn Quốc), Perenco và Geopetrol (Pháp), JVPC (Nhật Bản), Petronas (Malaysia), Santos (Úc), Premier Oil (Vương quốc Anh), Repsol (Tây Ban Nha).

Giá trung bình xuất khẩu cho khách hàng Trung Quốc mua trực tiếp là 412 USD/tấn, cao hơn so với giá trung bình dầu thô Việt Nam xuất khẩu khoảng  9,59 USD/tấn.

Tính chung giá dầu thô Việt Nam xuất bán vào thị trường Trung Quốc (do khách hàng Trung Quốc mua trực tiếp hoặc mua lại thông qua các công ty kinh doanh dầu thô quốc tế bán lại) có giá trung bình  405,31 USD/tấn (vẫn cao hơn so với giá dầu thô trung bình được Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,9 USD/tấn).

Giá dầu thô xuất bán đến Trung Quốc (qua khách hàng Trung Quốc trực tiếp mua hay qua qua các công ty kinh doanh dầu thô quốc tế bán lại) hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng từng loại dầu và tình hình thị trường vào thời điểm xuất bản.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn