Truy trách nhiệm từng khâu việc "metro số 1 tắc vốn"

Thứ sáu, 15/09/2017, 14:24
Với những dự án lớn tăng vốn thì Chính phủ, mà Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu trực tiếp, phải có trách nhiệm báo cáo Quốc hội sớm để cho ý kiến.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang bị đình trệ do thiếu vốn

Ông Bùi Đức Thụ, phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định như vậy xung quanh câu chuyện dự án metro số 1 tắc vốn.

Ông Thụ nói: Với những dự án lớn như dự án metro số 1, nếu tổng nguồn vay ODA vượt kế hoạch phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung dự toán.

Vốn ngoài nước nếu vượt dự toán cũng phải trình để Quốc hội xem xét, quyết định. Không báo cáo bổ sung dự toán là trái Hiến pháp (năm 2013), trong đó quy định mọi khoản thu chi, đặc biệt là khoản chi, đều phải được dự toán.

* Theo UBND TP.HCM, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 với sự đồng ý của các bộ ngành, nhưng đến nay dự án vẫn tắc vốn. Ai là người chịu trách nhiệm, thưa ông?

Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt, với cơ cấu vốn trong và ngoài nước rất rõ ràng và cũng có danh mục phân bổ vốn cho từng dự án.

Do đó, nếu Quốc hội hay Chính phủ yêu cầu báo cáo mà chưa báo cáo về việc điều chỉnh vốn của dự án, đó là trách nhiệm Bộ KH&ĐT.

Bởi nếu việc điều chỉnh vốn đã được phê duyệt, thực hiện theo kế hoạch năm thì cứ theo cam kết đã ký, có khối lượng, đúng đối tượng, tiêu chuẩn và chế độ là giải ngân theo tiến độ.

Nếu chậm trễ giải ngân phải rà soát. Trường hợp dự án đã có trong dự toán năm mà thiếu nguồn do phía nhà tài trợ chưa cấp, Nhà nước phải đôn đốc, thực hiện đảm bảo nguồn theo cam kết.

Nếu nhà đầu tư đảm bảo đủ nguồn mà kế hoạch vốn ODA ghi thấp, sau tăng lên cũng cần phải báo cáo điều chỉnh tổng mức tăng lên.

Với dự án đầu tư phải báo cáo Quốc hội, Chính phủ phải tổ chức khẩn trương việc báo cáo và nếu làm chậm thì trách nhiệm thuộc về Chính phủ, mà trực tiếp là cơ quan tham mưu (Bộ KH&ĐT).

Công trường gói thầu 1a dài 747m từ chợ Bến Thành tới Nhà hát thành phố hiện đã thi công đạt 13,5% khối lượng

Không chỉ dự án metro số 1, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công khiến nhiều công trình bị chậm trễ dù chúng ta không thiếu tiền, thậm chí tiền còn được đem gửi ngân hàng?

Có một thực tế là chúng ta có tiền vốn để bổ sung cho các dự án công trình đã được phê duyệt nhưng giải ngân quá chậm.

Trong năm 2016 dù Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt với thông điệp Chính phủ kiến tạo và hành động nhưng giải ngân vốn chỉ được 97%, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 67% là điều không bình thường.

Trong 5 tháng đầu năm nay, tỉ lệ giải ngân vốn 19% là quá thấp, thậm chí vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay có nhiều khoản còn chưa thông báo. Đặc biệt, số tồn ngân ở Kho bạc Nhà nước rất lớn, hiện lên tới gần 200.000 tỉ đồng gửi ở ngân hàng là điều không bình thường.

Chính phủ phải tập trung từ nghị quyết Quốc hội, tháo gỡ những nút thắt và phải xử lý những vấn đề này.

Không lý do gì mà đất nước vay tiền, chịu lãi suất nhưng nhiều dự án công trình bị đình trệ do đói vốn. Không những ảnh hưởng đến tăng trưởng và giải quyết công ăn việc làm, việc chậm đưa dự án vào khai thác cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế nói chung.

Những tấm lắp hầm của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được công nhân chuẩn bị đưa vào vị trí lắp hầm tại nhà ga Ba Son, Q.1, TP.HCM

Làm thế nào để tháo gỡ nút thắt về vốn cho dự án metro số 1 nói riêng và các dự án đầu tư công khác hiện đang đói vốn, thưa ông?

Nếu đã có chủ trương rồi, danh mục được quyết rồi, kế hoạch vốn được phê duyệt và điều chỉnh, việc tổ chức thực hiện vướng khâu nào cần phải giải quyết theo phân công trách nhiệm thuộc khâu đó.

Trường hợp dự án cần phải trình ra Quốc hội, Chính phủ thực hiện ngay để Quốc hội cho ý kiến, quyết định về chủ trương. Những gì thuộc thẩm quyền Chính phủ, phân cấp cho bộ ngành để tháo gỡ và giải quyết khó khăn trong đầu tư, cần thực hiện nghiêm, đảm bảo quản lý minh bạch và hiệu quả.

Tuy nhiên, dự án metro số 1 hay bất cứ dự án đầu tư nào khác cũng cần phải tính đến hiệu quả và khả năng trả nợ.

Do đó với mức vốn đầu tư tăng cao gấp 2-3 lần cần phải phân tích và đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả cũng như xem xét trách nhiệm của các bên liên quan.

Trong đó phải làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan ra sao, trách nhiệm của quản lý điều hành thế nào. Bởi khoản vay ODA cũng là khoản nợ quốc gia, nguồn chi trả cũng từ nguồn thu thuế của dân.


Ông Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT):

Chưa làm rõ các cơ sở tăng vốn

Ngày 14-9, Bộ KH&ĐT gửi báo cáo đến Quốc hội thông tin về các văn bản, giấy tờ và làm rõ về dự án metro số 1. Thông tin cho rằng Bộ KH&ĐT "ép" con số trên 2.000 tỉ là không đúng. Đây là con số TP.HCM trình và Bộ KH&ĐT đáp ứng đủ.

Đối với việc tăng vốn dự án này, vấn đề mấu chốt là thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án thế nào, trung ương hỗ trợ ra làm sao và TP.HCM bỏ ra bao nhiêu chưa được làm rõ, nên không có cơ sở để bố trí vốn cho phần tăng thêm này. Hơn nữa, số vốn tăng thêm quá lớn nên ai có thẩm quyền điều chỉnh và ai chịu trách nhiệm về số tăng thêm... phải cần được làm rõ.

ĐBQH PHẠM PHÚ QUỐC (tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM):

Giải quyết nhanh để giảm thiểu thiệt hại

Chúng ta cần nhìn dự án metro số 1 theo hướng đây là dự án mang tầm vóc, uy tín của quốc gia chứ không phải chỉ của riêng TP.HCM để thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề này. Những gì đã ký kết với nước ngoài, đã đưa ra tiến độ và những cam kết với công chúng về dự án này cần được tôn trọng và thực thi quyết liệt.

Nơi có thể xử lý vấn đề căn cơ là Chính phủ và cao hơn là Quốc hội. Do đó, TP.HCM cần có ngay báo cáo khẩn cấp để giải trình với Chính phủ về những vướng mắc khiến dự án metro số 1 bị tắc vốn. Nếu có vấn đề nào vượt quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có hướng tháo gỡ.

Tuy nhiên, TP.HCM cũng cần có phương án tạm ứng vốn cả trước mắt lẫn lâu dài. Nếu không, nhà thầu sẽ thi công chậm, chủ đầu tư phải chịu các khoản phạt vì không rót vốn đúng cam kết.

Về lâu dài, TP.HCM cần tìm ra nguồn vốn căn cơ từ nội lực của mình như nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát hành trái phiếu công trình được bảo đảm bằng quỹ đất để thu hút nhà đầu tư tham gia.

TP cũng nên tính toán việc thương lượng lại với các nhà thầu... Làm sao để giảm thiểu thiệt hại về tài chính lẫn uy tín trong thực hiện dự án này.

Metro đoạn từ ngã tư Thủ Đức tới Suối Tiên

Phương án tăng vốn đã được phê duyệt

Trong công văn gửi đến Bộ KH&ĐT ngày 25-8, UBND TP.HCM khẳng định sau khi điều chỉnh vốn đầu tư dự án metro số 1 từ 1,091 tỉ USD lên 2,491 tỉ USD, chủ đầu tư đã hoàn chỉnh hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương điều chỉnh dự án vào tháng 7-2010, đồng thời cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan cho các bộ.

Sau khi xem xét, các bộ đều có ý kiến thống nhất với hồ sơ trình của chủ đầu tư. Trên cơ sở đó, ngày 25-8-2011, Thủ tướng có công văn số 1506 nêu rõ: "Đồng ý để UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn 1108 ngày 8-7-2011".

Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, ngày 21-9-2011, UBND TP ban hành quyết định 4480 phê duyệt điều chỉnh dự án metro số 1 với tổng mức đầu tư 2,491 tỉ USD.

Cũng tại công văn này, UBND TP.HCM khẳng định đã thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo gửi Bộ GTVT từ năm 2011 đến 2016 để tham mưu cho Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội về việc điều chỉnh vốn của dự án này theo quy định.

"Cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là phù hợp vì các bộ chuyên ngành đã tham gia cho ý kiến việc điều chỉnh, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội hằng năm" - UBND TP khẳng định.

Theo TTO

Các tin cũ hơn