Kinh tế Hàn vẫn chịu thiệt hại từ Trung Quốc do mâu thuẫn về THAAD

Thứ hai, 18/09/2017, 13:56
Một năm sau khi nổ ra vụ tranh cãi về hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD giữa Bắc Kinh và Seoul, nền kinh tế Hàn vẫn chịu nhiều thiệt hại.

Ảnh Reuters

Trên tờ thông báo đã mờ dán trên cánh cửa bị khóa trái của trung tâm thương mại Lotte Mart tại Gia Hưng (Chiết Giang), người ta vẫn có thể đọc được ngày tháng ghi trên đó: ngày 6 tháng 3 năm 2017, ngày mà trung tâm này bị buộc đóng cửa “tạm thời” vì các lý do “an toàn cháy nổ”.

Các cánh cửa đóng im ỉm và các tờ thông báo bay phất phơ là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân ngoài ý muốn trong cuộc tranh chấp về chính trị giữa Bắc Kinh và Seoul.

Vào tháng 9 năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo người đồng cấp Hàn Quốc rằng mối quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng nếu Hàn Quốc không xử lý nghiêm túc lời phản đối của Trung Quốc về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên đất Hàn Quốc.

Hiện nay, hệ thống này đã được gần như hoàn thiện giữa các lời đe dọa không ngừng gia tăng từ phía CHDCND Triều Tiên. Hậu quả từ vụ tranh cãi Trung - Hàn đã được thấy rõ thông qua các cánh cửa đóng kín của những siêu thị Lotte tại Trung Quốc và các khu vực buôn bán vắng vẻ tại Seoul, nơi đã từng đông nghẹt khách du lịch Trung Quốc.

Trung tâm thương mại Lotte tại Gia Hưng, phía tây nam Thượng Hải, cùng với hơn 90 trung tâm Lotte tại các thành phố khác, vẫn tiếp tục bị đóng cửa dựa trên các cáo buộc về vi phạm an toàn cháy nổ. Không một thanh tra Trung Quốc nào xuất hiện dù Lotte đã nhiều lần đề nghị và cho biết đã khắc phục mọi vấn đề. Một đội ngũ nhân viên tinh giản tột độ vẫn được Lotte duy trì và được trả mức lương tối thiểu, tuy nhiên Lotte hiện đang cân nhắc bán các trung tâm này.

Siêu thị Lotte tại Trung Quốc bị đóng cửa. Ảnh: Fortune

Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch thì cho biết vì nổi giận với quyết định của Seoul về hệ thống THAAD, Trung Quốc đã âm thầm cấm các đoàn du lịch tới Hàn Quốc, nơi đã từng là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc. Các chuyến du thuyền từ Trung Quốc đã xóa bỏ các cảng của Hàn Quốc trong lịch trình của họ, và một số đường bay đến Hàn Quốc đã bị hủy.

“Mọi việc chưa bao giờ tệ như thế này kể từ khi 2 nước đặt quan hệ ngoại giao năm 1992”, Han Jae-jin, một nhà kinh tế học tại Học viện nghiên cứu Huyndai cho biết.

Seoul và Washington cho rằng hệ thống THAAD chỉ để đối phó với nguy cơ hạt nhân của Triều Tiên, tuy nhiên Trung Quốc lo ngại rằng radar của hệ thống này có thể vươn tới lãnh thổ Trung Quốc và làm mất cân bằng cán cân quân sự tại khu vực.

Trên lý thuyết, Trung Quốc vẫn giữ “quan hệ bình thường” và các trao đổi khác với Hàn Quốc, nhưng lại không có bình luận gì về vụ việc của Lotte hoặc việc các đoàn khách du lịch bị cấm đến Hàn Quốc.

Ở khu Dongdaemun của thủ đô Seoul, một quầy hàng quần áo đã treo bảng như sau: “Shock vì trả đũa THAAD, giảm giá, xả hàng đóng cửa”. Các tấm bảng tương tự cũng được thấy ở khắp nơi trong quận này.

Cho Kyung-suk, một người bán túi xách phụ nữ đã được 15 năm ở Dongdaemun, vừa phải đóng cửa 1 trong 3 cửa hàng của ông vào tháng 2. “Không có các đoàn khách du lịch Trung Quốc, tôi chỉ kiếm được khoảng 1/5 doanh thu so với bình thường. Các công ty lớn còn gặp khó khăn, nói gì đến chúng tôi”.

Khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 1/2 tổng số khách đến Hàn Quốc. Tuy nhiên lượng khách này đã giảm đến một nửa trong 7 tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu của Cục Du lịch Hàn Quốc cho thấy Hàn Quốc thất thu khoảng 5,1 tỷ USD, dựa trên mức chi tiêu bình quân của khách du lịch Trung Quốc năm 2015. Khoảng 90% trong số 160 công ty du lịch Hàn Quốc chuyên phục vụ khách Trung Quốc đã phải đóng cửa.

Giá chứng khoán Hàn Quốc bị ảnh hưởng đáng kể bởi THAAD. Ảnh: Hankyoreh

Nếu không có phản ứng của Trung Quốc về THAAD, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc (nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á) được dự báo vào khoảng 3%, nhưng nay chỉ còn khoảng 2,8%, theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc.

Ở Trung Quốc, Lotte đang nằm ở trung tâm của cơn bão trả đũa này, vì Lotte đã có một thỏa thuận đổi đất với chính phủ Hàn Quốc, và lô đất này đã được sử dụng để triển khai THAAD.

Rất nhiều nhân viên Lotte ở khắp Trung Quốc nói với Reuters rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cửa hàng sẽ được mở cửa trở lại. Lotte hiện thuê hơn 13.000 nhân viên trên toàn Trung Quốc.

Một nhân viên giấu tên của văn phòng Lotte tại Seoul cho biết: “Về lâu dài, đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc cũng là một lựa chọn được chúng tôi cân nhắc, vì chúng tôi không thể để các cửa hàng đóng cửa nhiều năm như thế.”

Một số cư dân Gia Hưng cho rằng phản ứng của Trung Quốc là có cơ sở, kể cả khi làm thế cũng khiến một số cửa hiệu và nhà hàng gần đó phải đóng cửa hoặc chịu ảnh hưởng.

“Việc đóng cửa trung tâm này đều vì THAAD”, Gao Yunfei, một nhân viên thương mại điện tử 22 tuổi ở An Huy nói. “Nó nên như thế, điều đó chỉ phản ánh tình cảm của mọi người đối với đất nước này”.

Về phần Hàn Quốc, thị trường hàng miễn thuế của nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thị trường này trước đây có trị giá lên đến 8 tỉ USD, giữ vị trí lớn nhất thế giới.

Ở 2 khu vực giàu có Sinsa và Apgujeong phía Nam Seoul - nơi tọa lạc của các đại lộ hào nhoáng, những cửa hàng lớn nhất, sang trọng nhất cùng với các hiệu làm tóc của ngôi sao – giá thuê bất động sản bán lẻ đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013 trở lại đây.

Hiệp hội Hàng miễn thuế Hàn Quốc đã phải đề nghị các sân bay trên cả nước giảm giá thuê mặt bằng. Thậm chí Lotte Duty Free – dịch vụ hàng miễn thuế lớn nhất nước - đã phải cân nhắc đóng cửa chi nhánh tại sân bay quốc tế Incheon, sau khi trải qua một quý thua lỗ, lần đầu tiên kể từ năm 1980.

Một quan chức giấu tên của Lotte Duty Free đưa ra nhận xét “Chúng tôi không nghĩ vấn đề về THAAD sẽ sớm được giải quyết, và chúng tôi cũng không thể làm được gì trong vấn đề này”.

Với hy vọng rằng mối quan hệ Trung - Hàn sẽ trở nên tốt hơn, Lotte vẫn giữ các siêu thị tại Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu lớn khác, ví dụ như Huyndai, cũng cố gắng vượt qua giai đoạn này, kể cả khi doanh số xe hơi bán ra tại Trung Quốc của hãng này sụt giảm đến 60% trong quý II vừa qua.

Tuy nhiên, các cửa hàng nhỏ thì không làm được điều này, một chủ cửa hàng quần áo trẻ em tên Shin ở Dongdaemun cho hay. Mặc dù các nhà cung cấp đang nhắm đến khách hàng từ Nhật Bản hoặc Thái Lan, nhưng khách hàng Trung Quốc đơn giản là không thể thay thế được.

“Cả vùng này tồn tại nhờ Trung Quốc, nhưng giờ thì nhìn xem”, ông Shin vừa nói vừa chỉ vào các quầy hàng vắng vẻ bên cạnh. “Mọi người ở đây sống dựa vào tiền từ Trung Quốc”.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn