Vinalines và các công ty con đứng đầu trong các dự án thua lỗ và kém hiệu quả

Thứ ba, 19/09/2017, 09:35
Trong báo cáo về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) cho biết, có 2 doanh nghiệp có dấu hiệu đầu tư kém hiệu quả là Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Cụ thể, Giai đoạn từ 2000 đến 2010, SBIC có khoảng 700 dự án đầu tư, trong đó có 238 dự án đã có quyết định đầu tư từ cấp có thẩm quyền. Hiện nay, SBIC đang thực hiện Đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Bộ GTVT không báo cáo cụ thể về các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả của SBIC theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Các dự án đầu tư của công ty mẹ và các công ty con của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang có dấu hiệu kém hiệu quả, thua lỗ

Với Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo báo cáo của Bộ GTVT, đơn vị này hiện có 3 dự án có dấu hiệu không hiệu quả, thua lỗ.

Cụ thể, dự án Đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hoà), có tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.100 tỷ đồng. Hiện dự án này đã dừng thực hiện từ 2012 và đang bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam quản lý Dự án thứ 2 là đầu tư xây dựng cảng Cái Cui (Cần Thơ) có tổng mức phê duyệt cuối cùng là gần 830 tỷ đồng, nhưng hiện lợi nhuận đạt thấp hơn nhiều so với dự án được phê duyệt.

Dự án thứ 3 là đầu tư xây dựng kho bãi container tại Hải Phòng có tổng mức đầu tư phê duyệt sau cùng là gần 353 tỷ đồng, dự án bị thua lỗ từ khi đưa vào khai thác.

Đặc biệt, trong số các công ty con của Vinalines, một số công ty có dự án đầu tư thua lỗ hoặc buộc phải bán vốn Nhà nước. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc Vinalines) có dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.490 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, dự án bắt đầu thực hiện đầu tư từ 2008, đến hết tháng 4/2017 Vinalines đã hoàn thành công tác thoái vốn. Tuy nhiên, hiện mới chỉ thu về một phần vốn đã đầu tư khoảng gần 82 tỷ đồng.

Một công ty con khác là Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông (thuộc Vinalines): Có 02 dự án đóng mới tàu container, tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng hơn 1.140 tỷ đồng.

Bộ GTVT khẳng định, hiện 2 dự án trên của Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông đã và đang thua lỗ kéo dài từ năm 2009 đến nay, tổng số lỗ lũy kế là 1.608 tỷ đồng.

Trước đó, theo thống kê tại các báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương gửi về Bộ KH&ĐT, tính đến 25/8/2017 có 43 dự án thuộc các Bộ, 21 Dự án thuộc các địa phương, 8 Dự án thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng là các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Từ năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ban ngành và địa phương có doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải thực hiện báo cáo tình hình hoạt động về đầu mối là Bộ KH&ĐT để cơ quan này xem xét tập hợp gửi Chính phủ.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm 25/8/2017 chỉ có 12 bộ ngành, 37 địa phương, 02 tập đoàn kinh tế, 09 tổng công ty nhà nước báo cáo. Với số lượng khoảng 800 DNNN thuộc diện phải báo cáo rà soát, số DN thực hiện báo cáo hiện chỉ chiếm trên 31%. Bộ KH&ĐT cho rằng, đây là một tỷ lệ rất thấp, không đảm bảo được yêu cầu về chất lượng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn