Thưa ông, tại cuộc toạ đàm về các trạm thu phí BOT diễn ra hôm 7-9 ở Báo Công an Nhân dân, ông cho rằng việc thu phí ở các trạm BOT không ảnh hưởng gì đến người nghèo vì người nghèo đi xe máy, mà các trạm BOT đã miễn phí cho phương tiện này rồi. Rất nhiều bạn đọc phản ứng ý kiến của ông. Ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Trước hết phải nói bạn đọc có ý kiến trái chiều chứng tỏ đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nếu được trao đổi một cách khoa học sẽ là những đóng góp bổ ích cho cả hai phía tham gia trao đổi. Nói thu phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo thì trước tiên chúng ta phải căn cứ vào những số liệu tính toán về kinh tế vận tải, sau đó trên cơ sở số liệu cùng đánh giá tác động theo các góc nhìn khác nhau.
Khi lập ra một dự án BOT thì bản thân các cơ quan được giao nhiệm vụ đều đã tính toán tác động đến từng đối tượng. Và hiện nay theo quy định thì người dân đi xe máy qua trạm BOT không bị thu phí. Như thế việc nói đường BOT không tác động trực tiếp đến người nghèo vì chúng ta đang tạm thống nhất phân cấp người giàu thì đi ôtô, người nghèo thì đi xe máy, xe đạp. Nếu nhìn ở góc độ phân cấp giàu, nghèo như vậy thì rõ ràng BOT không ảnh hưởng đến người nghèo.
Trong kết cấu giá thành của đại đa số hàng hóa đều có chi phí vận chuyển. Nhà xe chịu phí BOT hẳn nhiên cộng khoản đó vào giá thành, khiến giá bán đến tay người dùng đầu cuối tăng lên. Người nghèo hay giàu đều chịu và tất nhiên người nghèo sẽ bị tổn thương và ảnh hưởng nặng nề hơn. Ông phản biện thế nào về lập luận này?
TS Nguyễn Đức Kiên trả lời PV ngày 12/9 |
Ngay cách đặt câu hỏi của nhà báo đã thể hiện suy nghĩ là cứ phát sinh chi phí trên đường là cộng vào chi phí vận chuyển mà chưa xem đến khía cạnh tác động khác của dự án BOT đến chi phí vận chuyển. Ở đây tôi cho rằng cần phải đứng ở góc nhìn nghiên cứu về kinh tế vận tải để phát biểu về chi phí phải trả cho giao thông.
Một dự án BOT sẽ đem lại đa mục tiêu, đa mục đích lợi nhuận cho xã hội. Về vấn đề liên quan đến vận tải, chúng ta có thể làm một bài toán vận tải đơn giản đối với doanh nghiệp vận tải. Ví dụ ở tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ngày trước xe khách chạy trên đường QL5 cũ hết 3-3,5 giờ nhưng giờ đi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ hết 1,5 giờ và nhà xe đã tiết kiệm được từ 1,5 đến 2 giờ xe vận hành. Như vậy, thử tính một xe khách trong 1 giờ nổ máy tiêu thụ hết bao nhiêu nhiên liệu, rồi nhân với 1,5-2 giờ nổ máy thì tiết kiệm được bao nhiêu tiền, rồi chạy trên đường tốt, chi phí bảo dưỡng giảm… Đấy đều là những yếu tố góp phần giảm chi phí thực của doanh nghiệp vận tải, tác động đến giá cước.
Khi doanh nghiệp vận tải được lợi như vậy, sao họ không chia sẻ lợi nhuận đó với xã hội mà họ lại "hẳn nhiên cộng vào" như nhà báo vừa hỏi và yêu cầu xã hội phải chịu?
Tôi lấy ví dụ 1 giờ nổ máy họ hết 20 lít nhiên liệu, việc giảm 1,5 giờ xe chạy họ đã giảm được 30 lít dầu và nhân với giá chỉ 10.000 đồng/lít dầu thì họ đã tiết kiệm được 300.000 đồng tiền nhiên liệu. Khi hạch toán chi phí họ phải lấy 300.000 đồng tiền dầu được lợi đó rồi trừ đi chi phí của giá vé dịch vụ BOT nếu tính ở mức cao nhất trên tuyến đường này là 180.000 đồng, họ vẫn lời 120.000 đồng. Khi đó câu hỏi đặt ra là lợi nhuận này họ thu được từ dự án BOT có cần được chia sẻ với các đối tượng tham gia giao thông không? Vậy sao không ai nói điều này ra?
Rõ ràng chúng ta thấy việc làm BOT là vẫn tạo ra lợi nhuận thêm nữa cho các doanh nghiệp vận tải. Vấn đề ở đây chính là các doanh nghiệp vận tải không chịu chia sẻ lợi nhuận mình có được từ dự án BOT đem lại cho xã hội.
Tại sao chúng ta cứ mặc nhiên cộng phí BOT vào chi phí vận tải. Tại sao lại thế? (...) Sao doanh nghiệp vận tải không tính và không chia sẻ lợi nhuận này với xã hội mà người ta bắt xã hội, bắt "thượng đế" là các khách hàng phải chịu hết?
Vậy có phải dư luận, bạn đọc đã quá khắt khe với phát biểu của ông?
Tôi không biết, cái đó là quyền của bạn đọc chứ tôi không có phán xét gì về việc dư luận bạn đọc là khắt khe hay không. Tóm lại, mọi người nghĩ sao, nói sao là quyền phát ngôn của mọi người và họ tự chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Khi bạn đọc chưa hiểu rõ thì mình tự trách mình trình độ hạn chế, không làm tốt công tác truyền thông thôi.
Nhiều ý kiến còn cho rằng ông là đại biểu dân cử nhưng trong các phát biểu về BOT, ông luôn bày tỏ quan điểm như bảo vệ hoặc bênh nhà đầu tư hơn là bảo vệ hoặc bênh người dân. Ông nghĩ gì về điều này?
Ai nhận định, đánh giá như thế thì cứ để cho họ nhận định, đánh giá. Qua một ví dụ nhỏ đã nêu tôi nghĩ bạn đọc sẽ có cái nhìn khác.
(...) Bây giờ, những người nói tôi như thế, tôi không thể đi tranh luận về việc mọi người đánh giá về tôi thế nào. Trong một xã hội thì mình phải chấp nhận và tự chịu trách nhiệm với các việc làm và phát ngôn của mình.
Ông có thể cho biết giải pháp nào để giải quyết những bất cập về BOT mà thời gian qua có một số doanh nghiệp vận tải, một số tài xế, một số người dân đã phản ứng?
Việc một số người dân bị ảnh hưởng thì nên phản đối theo luật đã quy định. Trong một xã hội nhà nước pháp quyền thì chúng ta phải tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến của người dân nhưng người dân cần phải phản ứng theo đúng quy định của pháp luật.
Hiến pháp 2013 quy định rõ công dân có quyền công dân của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân khác. Anh có thể dùng hình thức này, hình thức khác để biểu thị phản đối. Việc anh trả tiền 200 đồng, 500 đồng khi mua vé qua trạm BOT là không sai. Nhưng chúng ta còn có đạo đức của xã hội. Nếu anh là một người tôn trọng sức lao động của người khác, anh có thể vuốt tờ 200 đồng, 500 đồng cho phẳng ra, anh đếm cũng được, không đếm cũng được, rồi anh đưa cho người bán vé. Người bán vé cũng là người lao động chứ họ không phải là người bóc lột anh, cho nên ở đây là thái độ hành xử của người lao động với người lao động.
Bản thân tôi không đồng ý với việc dấp nước vào tiền rồi mua vé để tạo ra độ dính nhằm kéo dài thời gian. Tôi cũng không đồng ý với việc vo tiền lại nhét vào chai nước để đưa cho nhân viên bán vé.
Có thể xã hội, có thể bạn đọc của ai đó bảo tôi nói như thế là không đúng vì người ta có quyền làm thế. Tôi xin lỗi, không một nhà nước pháp quyền nào bảo vệ cái việc anh vo tiền nhét vào chai nước để đem đi thanh toán. Còn báo chí có ủng hộ người ta thì báo chí cứ ủng hộ. Tại sao chúng ta không phê phán chuyện đó?
Trong một xã hội mà cái việc ấy nó đang đúng mà chúng ta lại không dám nói cái việc ấy nó đúng nhưng ai nói ra thì lại bảo bênh ông nọ, bênh ông kia. Không, cái gì đúng thì nói, còn cái gì chưa đúng thì bảo chưa đúng.
Tôi cho rằng các doanh nghiệp vận tải rất không sòng phẳng. Doanh nghiệp vận tải hiện nay đang cố tạo dựng nên một hình ảnh như là họ bị bóc lột, bị chèn ép. Nhưng họ lại quên mất một điều, lợi nhuận phát sinh mà họ được hưởng từ đường BOT đem lại, họ không chia sẻ với xã hội, với khách hàng.
Tôi cho rằng nghe phản ứng của dư luận, của bạn đọc chúng ta phải bình tĩnh và phải nghe bằng cả hai tai. Ba khóa đại biểu Quốc hội tôi đi tiếp xúc cử tri, có những hôm tôi bị mắng té tát vào mặt, mình vẫn phải lắng nghe. Nhưng sau đó đi tìm hiểu lại và mình nói lại thì người ta lại xin lỗi với lý do rằng hôm ấy tôi nóng quá, thế này thế kia…
Báo chí có một phần trách nhiệm đẩy vấn đề BOT nóng hôi hổi như hiện nay. Nếu báo chí đưa hết 12 tồn tại của các dự án BOT mà trong báo cáo của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì rất rõ ràng. Trong báo cáo này đã chỉ ra từng dự án sai ở chỗ nào, phải chỉnh sửa ở chỗ nào, làm rất rõ ràng. Rồi báo cáo cũng nêu 16 nhóm giải pháp để xử lý bất cập BOT cũng rất rõ ràng. Tại sao báo chí không nêu lên mà chỉ nêu những cái bức xúc thôi?
(...) Đúng, BOT có những cái bất cập và chưa được. Nhưng khi chúng ta vẽ lên một con người thì phải nói cả mặt tốt và mặt xấu chứ sao ta chỉ chăm chăm nói về mặt xấu?
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Rồi phí bảo trì đường bộ cũng vậy. Có người bảo tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi sao lại phải trả phí BOT. Đúng, không ai phản đối việc đó nhưng chẳng lẽ không có ai đứng ra giải thích để mọi người hiểu rằng với tiền phí đã đóng như thế thì chỉ đi được con đường Hà Nội - Hải Phòng hết 3,5 giờ chứ không phải được đi trên con đường chỉ hết 1,5 giờ. (Ông Nguyễn Đức Kiên) |
Theo NLĐ