Thương nhân Thái đã vào chợ đầu mối

Thứ bảy, 16/09/2017, 09:33
Trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu VN - Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỉ USD.

Hàng Thái Lan len lỏi vào cửa hàng nhỏ ở các khu đô thị

Báo cáo của Vụ Thị trường châu Á, châu Phi tại cuộc họp riêng của Bộ Công thương hôm qua (15.9) trước tình trạng gia tăng hàng nhập siêu từ Thái Lan cho hay trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu VN - Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỉ USD.

Trong đó, VN nhập khẩu từ Thái Lan tới 6,57 tỉ USD, tức nhập siêu 3,5 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Các nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ôtô nguyên chiếc (432 triệu USD)...

Bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Châu Á, châu Phi, cho rằng Thái Lan đã xây dựng được nền công nghiệp chế biến trong nước có năng lực cạnh tranh cao, giá cả tốt. Chính phủ rất quan tâm xây dựng thương hiệu hàng Thái qua việc đầu tư rất bài bản, trung bình mỗi năm tổ chức 12 - 22 hội chợ hàng Thái ở VN với quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia. Đáng chú ý, theo vị này, người tiêu dùng rất ưa chuộng hàng Thái do tâm lý lo ngại chất lượng hàng Trung Quốc.

Ông Nguyễn Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết không chỉ trong hệ thống siêu thị lớn các DN Thái đang làm chủ ngày càng nhiều mà ngay cả các chợ đầu mối cũng đã có hình bóng thương nhân Thái đứng sau.

Bàn về giải pháp, đa số ý kiến đều cho rằng có hai giải pháp chính là bên cạnh kiểm soát nhập siêu thông qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất của các DN nội. "Ví dụ, mặt hàng rau quả thì cần kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, điều chỉnh danh sách cấp phép. Hay với nhóm hàng ô tô cần có biện pháp tính thuế, xem xét biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu", bà Lê Hoài Anh nói. Nhưng theo bà Anh, mấu chốt vẫn là thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng hàng nội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, lại cho rằng giải quyết bằng hàng rào kỹ thuật với nhiều mặt hàng đang không phát huy hiệu quả, đơn cử là yêu cầu dán nhãn năng lượng đều bị vượt qua. Một số biện pháp tương tự từng được xây dựng rất kỹ nhưng Chính phủ còn yêu cầu tháo gỡ bớt và nhiều nước cũng đang phàn nàn về các hàng rào kỹ thuật của VN, như với vấn đề an toàn thực phẩm. "Mấu chốt là phải dựa trên năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", ông Cường nhìn nhận.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng nhận định hàng rào kỹ thuật phải gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa và an toàn thực phẩm chứ không phải là công cụ để quản lý sản phẩm. "Chúng ta không chỉ nhìn ở việc kiểm soát nhập khẩu bằng mọi giá mà cần nhìn một cách tổng thể, từ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của DN, cần nhìn hai chiều và có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng xuất siêu mặt hàng khác, đây là quy luật của thị trường”, ông Tuấn Anh nói thêm.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn