Nỗi lòng tài xế GrabBike nhận bao nhiêu tiền cho một cuốc xe

Thứ tư, 20/09/2017, 13:01
Sau loạt bài 'GrabBike-Những cuốc xe đời',  bà Nguyễn Thu An - Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam nói về những bức xúc của tài xế GrabBike hiện nay.

Buổi họp mặt tài xế  GrabBike với công ty Grab ngày 16.9

Hiện tại, trừ 2km đầu tiên là 12.000 đồng, giá cước GrabBike là 3.800 đồng/km. Trừ 20% chiết khấu, tiền xăng, tài xế chỉ thực nhận 2.600 đồng/km (chưa tính tiền một cuốc điện thoại và hao mòn xe cộ). Phía Grab nghĩ thế nào về vấn đề này?

Giá cước này đã được tính toán dựa trên cân đối giữa nhu cầu của hành khách và đời sống của đối tác (tức người chạy Grab - NV).

Cách tính cước trên bản đồ GrabBike có vấn đề. Cùng một điểm đến và đi nhưng trước đây đo khoảng cách khác (thí dụ 5km) sau lại đo khác theo hướng thiệt hơn cho tài xế (còn 4km). Chưa kể, ứng dụng đo theo đường đi bộ, nhưng thực tế nhiều đường một chiều, phải đi đường vòng rất xa.
Hiện nay cước phí của Grab đang được áp dụng dựa trên kết quả từ dịch vụ cung cấp bản đồ của một bên thứ 3.

Tài xế GrabBike

Vậy vì sao tài xế phản hồi qua tổng đài lại bị tính phí? Nhiều tài xế GrabBike đề nghị rằng nên có vài hotline miễn phí? (Hiện tại chỉ có một đầu số 028 7108 7108 có tính phí để giải quyết mọi bức xúc, thắc mắc của tài xế).
Hiện nay tổng đài của Grab tại Việt Nam đang sử dụng dịch vụ cung cấp điện thoại cố định của một bên thứ 3 để tiếp nhận và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến hoạt động của đối tác, cước phí hoàn toàn do nhà mạng này quy định. Ngoài ra, đối tác có thể gửi yêu cầu hỗ trợ thông qua mục Trợ giúp/Help Centre hoàn toàn miễn phí ngay trên ứng dụng.
Chương trình tích điểm đổi quà có nhiều điểm rất phản cảm như việc tố đồng nghiệp không mang đúng đồng phục, sử dụng đồng phục của ứng dụng khác đón khách…
Chương trình tích điểm đổi quà nhằm khuyến khích đối tác chia sẻ những khó khăn và thắc mắc của mình, cùng nhau góp phần nâng cao chất lượng và uy tín của dịch vụ.
Chúng tôi cũng xin khẳng định rằng, các đối tác tài xế chính thức đều được kiểm soát theo hệ thống kiểm soát toàn cầu của Grab. Trong trường hợp xác định đối tác cố tình vi phạm pháp luật hoặc quy tắc ứng xử, Grab sẽ xử lý theo quy định công ty tùy theo mức độ vi phạm nhằm hướng đến một môi trường di chuyển an toàn, văn minh và chất lượng.
Có bao nhiêu tài xế GrabBike nữ, thưa bà? Bên cạnh những hỗ trợ chung, có những hỗ trợ gì đặc biệt hơn đối với tài xế nữ hay không?
Hiện số lượng đối tác tài xế nữ GrabBike chiếm khoảng 2%. Vừa qua, Grab cũng đã ra mắt Hội phụ nữ GrabBike để giúp các đối tác giao lưu học hỏi, chia sẻ; tạo nên một cộng đồng đối tác nữ vững mạnh.
Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình dành riêng cho đối tác nữ như: Các khoa học kỹ năng miễn phí: khóa học sơ cấp cứu, lái xe phòng vệ, kỹ năng phòng vệ, Anh văn, nấu ăn...Các câu lạc bộ cầu lông, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ, bóng đá, chạy bộ, bóng rổ...
Nhu cầu đi lại dường như bão hòa, nhưng lượng tài xế GrabBike tăng nhanh chóng sẽ dẫn đến số cuốc mỗi tài xế giảm hẳn. Grab có giải pháp gì về vấn đề này?
Grab đang mở rộng dịch vụ GrabBike ra các khu vực mới ở TP.HCM và Hà Nội, nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân ngày càng quen thuộc và ưa chuộng sử dụng nhiều hơn. Đến nay, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ GrabBike ngày một tăng cao và ổn định, mật độ phủ khắp nơi nên có thể giúp đối tác trang trải cuộc sống; đối tác cũng không phải chịu những cuốc xe rỗng hoặc phải di chuyển xa để đón khách.
Bảo hiểm và hỗ trợ thường sẽ giải quyết sau khi xong xuôi. Nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn chạy GrabBike toàn thời gian để mưu sinh, khi gặp sự cố không có tiền, phải vay nóng để đóng viện phí. Nên chăng Grab cần cử người đến hiện trường xem xét tình hình và hỗ trợ ứng trước cho họ?
Khi sự cố xảy ra, đại diện Grab và đội trưởng Grab luôn có mặt để hỗ trợ ngay cho đối tác. Tiêu chí của chúng tôi là luôn xử lý và hỗ trợ nhanh chóng cho các trường hợp đặc biệt, không phải chờ đợi đến bảo hiểm sau đó. Ngoài ra, tùy trường hợp, đối tác có hoàn cảnh khó khăn cũng được Grab hỗ trợ một phần thu nhập trong thời gian điều trị, nghỉ dưỡng thương.
Xin cảm ơn bà!
Các tài xế GrabBike nói gì?
Thái Châu Vy, 27 tuổi, tài xế khu vực Q.8:
Ứng dụng hiện tại tính quãng đường không chính xác, thấp hơn so với thực tế. Chưa kể, khi tính toán, ứng dụng không tính đến đường cấm, đường một chiều nên thực tế tài xế phải đi đường vòng, xa hơn rất nhiều. Grab phải điều chỉnh lại việc này để tài xế đỡ bị thiệt thòi.
Phạm Ngọc Sung, 36 tuổi, tài xế khu vực Phú Nhuận:
Cách tính cước hiện tại của công ty chưa hợp lý: giá cước thấp (3.800 đồng/km), chiết khấu cao (20%). Theo tôi, Grab nên tăng giá cước lên khoảng 4.500 đồng/km. Cao hơn vài trăm đồng so với giá cũ cũng không quá ảnh hưởng đến khách hàng nhưng đủ bù lại số tiền chiết khấu công ty mới tăng từ 15% lên 20%.
Còn dĩ nhiên, nếu chiết khấu giảm lại còn 15% như trước đây thì quá tốt.
Nguyễn Hữu Hào, 41 tuổi, tài xế bị tai nạn thương tật hơn 30%:
Tài xế GrabBike đem xe và sức khỏe của mình ra để kiếm sống, thời gian ở ngoài đường rất nhiều nên rủi ro gặp tai nạn cao. Vì thế, công ty Grab nên mua bảo hiểm tai nạn cho mọi tài xế mỗi khi bật ứng dụng đón khách, bất kể có khách hay không.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn