Mỹ giúp Nga thành thế lực mới ở Trung Đông?

Thứ hai, 09/10/2017, 12:01
Không chỉ tạo điều kiện cho Nga thể hiện tiềm lực quân sự ở Syria, Mỹ còn tự giúp các nước Trung Đông đứng cạnh Moscow.

Tự Mỹ tạo điều kiện cho Nga quay trở lại Trung Đông

Quốc vương Ả-Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud vừa trở thành vị vua đầu tiên của quốc gia giàu dầu mỏ vùng Vịnh tới thăm chính thức Moscow từ 5-8/10.

Cùng với đó, Nga và Ả-Rập Saudi cũng tiến hành hàng loạt thỏa thuận thương mại song phương liên quan tới kinh tế, dầu khí, giao lưu văn hóa, giáo dục, thậm chí cả quốc phòng.

Quốc vương Ả-rập Saudi và Tổng thống Nga tại Điện Kremlin. Ảnh: TASS

Trước chuyến thăm của Quốc vương Ả-Rập Saudi, hàng loạt nguyên thủ quốc gia Trung Đông như Israel, Qatar, Thổ Nhĩ Kỹ, Ai Cập và Jordan đều đã tới thăm Nga thời gian qua như một nỗ lực cam kết kéo quan hệ song phương tới gần hơn.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, nỗ lực thực sự của Quốc vương Ả-Rập Saudi lại nhấn mạnh ở chỗ tìm cách để kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran, một đồng minh thân cận của Nga nhưng bị hầu hết quốc gia vùng Vịnh coi là kẻ thù nguy hiểm.

Hàng loạt các cuộc viếng thăm Moscow thời gian qua là một dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng không thể ngó lơ của Nga ở vùng Vịnh- nơi từng được cho là dấu mốc thành công của Mỹ, đặc biệt là sau thành công của Nga trong việc mang lại hòa bình ở Syria.

Ông Dennis Ross, cố vấn nhiều đời Tổng thống Mỹ và từng phụ trách tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông, lý giải: "Việc Nga can thiệp quân sự thành công ở Syria đã làm thay đổi thực tế và cán cân quyền lực ở đây. Putin đã thành công trong việc biến Nga thành một nhân tố quan trọng ở Trung Đông. Đó là lý do bạn thấy các nguyên thủ Trung Đông liên tục công du đến Moscow".

Vị cựu cố vấn cho hay, Moscow đã từng là một thế lực lớn của Trung Đông trong thời Chiến tranh lạnh và đã hỗ trợ các nước Ả Rập về mặt vũ trang để chống lại Iran. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, ảnh hưởng của Moscow cũng mất dần và khi Mỹ tấn công Iraq, Nga chỉ đứng ngoài cuộc và không thể làm gì khác ngoài phản đối.

Thế nhưng cục diện bắt đầu xoay chiều từ năm 2013 khi Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama quyết định không tấn công chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Sự đổi chiều này đã khiến các quốc gia Trung Đông đồng tình với việc thay đổi Tổng thống Syria bị phân tán.

Cuộc chiến tại Syria khi đó đã tạo nên một lực lượng mà ngay cả Mỹ cũng không lường tới là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Sự ra đời của khủng bố IS cũng như các mối nguy hại mà chúng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nước Nga đã khiến Moscow hành động.

Tháng 10/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử quân đội sang để hỗ trợ và bảo vệ nhà lãnh đạo Syria cũng như định hình lại sức mạnh lực lượng tại Trung Đông.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria thành công cũng như tiềm lực quân sự nổi trội đã tạo nên sức thuyết phục không thể to lớn hơn của ông Putin tại Syria.

Tiêu chuẩn kép của Mỹ khiến lòng tin ở Trung Đông bị bào mòn

Ở thời điểm đó, khi Nga đang chịu sự kìm kẹp của các biện pháp trừng phạt kinh tế từ châu Âu và Mỹ, sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ, sự thành công trong chiến dịch tiêu diệt khủng bố của Moscow đã giúp họ có lại được sự tin tưởng trong con mắt của các quốc gia vùng Vịnh.

Nhớ lại vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga chỉ 1 tháng sau khi Moscow tham chiến tại Syria đã khiến 2 nước rơi vào tình trạng căng thẳng và áp đòn trừng phạt ngược.

Vụ bắn rơi Su-24 được cho là màn kịch mà Thổ Nhĩ Kỳ - trọng tâm Trung Đông của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, đã bày nên nhằm khiêu khích sự trung thành của Ankara.

Tuy nhiên, đó lại là phép thử cho thấy tầm nhìn của Nga trong việc lấy lại niềm tin nơi Tổng thống Erdogan khi hỗ trợ chống lại cuộc đảo chính ở ngay Thủ đô Ankara.

Mối quan hệ thân thiết trở lại sau đó của Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã phần nào giúp định hình trục ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông, đồng thời là minh chứng rõ nhất cho "tiêu chuẩn kép" của phương Tây mà Ankara có thể nhìn ra.

Trục Nga mới ở Trung Đông đánh bật tiêu chuẩn kép của Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 4 quốc gia nuôi dưỡng âm mưu bá chủ Trung Đông bên cạnh Iraq, Iran và Ả-Rập Saudi.

Sự biến chuyển của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cách Nga cân bằng ảnh hưởng của Iran để tạo trục xoay mới gồm Nga- Thổ Nhĩ Kỳ- Iran đã khiến liên minh này đứng độc lập trên một vùng ảnh hưởng rộng lớn tại Trung Đông.

Thêm vào đó, sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran, quốc gia thân thiện với Nga, đã phát triển từ sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết. Chính quyền Mỹ khi đó cho rằng, với thỏa thuận này, Iran sẽ tiết chế hành động của mình trong việc tăng cường mối đe dọa các quốc gia láng giềng. Nhưng điều đó không xảy ra.

Tổng thống Donald Trump mới đây đã thể hiện ý định khôi phục ảnh hưởng ở Trung Đông khi bày tỏ rõ ràng sự đối đầu với Iran cũng như rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Nhưng có lẽ đã quá muộn!

Cùng với sự ảnh hưởng của Iran tại Syria, Ả-Rập Saudi đã bày tỏ mong muốn hợp tác bằng chuyến thăm của Quốc vương khi tới Nga.

Chuyến thăm Nga của Quốc vương Ả-Rập Saudi tới Nga đã cho thấy tầm quan trọng của Moscow đối với quốc gia này, bất chấp nỗ lực của ông Donald Trump khi chọn Ả-Rập Saudi là điểm đến đầu tiên của chuyến công du trên cương vị là Tổng thống nước Mỹ.

Thêm một ví dụ nữa, cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Qatar cũng là một trong những biểu hiện khiến các nước Trung Đông phải lựa chọn hợp tác với Nga.

Washington dù đặt căn cứ quân sự và liên tục thúc đẩy thương vụ mua bán vũ khí với Qatar nhưng luôn kêu gọi Ả-Rập Saudi và Qatar nỗ lực giải quyết ngoại giao khi quốc gia này bị cô lập. Và Qatar đã phải cậy nhờ Nga.

Ngoài ra, Nga cũng có ảnh hưởng tới hàng loạt các quốc gia Trung Đông khác.

Theo ông Andrey Kortunov -Tổng giám đốc của Hội đồng các vấn đề Quốc tế Nga (một nhóm nghiên cứu được thành lập bởi điện Kremlin), mặc dù từ chối yêu cầu lập vùng đệm của Israel nhưng Nga lại có thỏa thuận cho phép Israel được quyền không kích Hezbollah ở Syria.

Bên cạnh đó, Nga còn tham gia cùng Ai Cập làm trung gian hòa giải cuộc xung đột nội bộ Palestine kéo dài hơn thập kỷ giữa Fatah ở Bờ Tây và Hamas ở Gaza. Ông Putin còn mời cả các phe phái Lybia đối đầu sang Moscow sau khi một loạt nỗ lực đàm phán hòa bình của các quốc gia khác lần lượt thất bại.

Nga cũng đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở vùng đất giàu dầu mỏ của người Kurd ở Iraq và là một trong số ít ỏi cường quốc không lên án việc trưng cầu dân ý đòi độc lập của cộng đồng người Kurd tại đó.

Tổng thống Putin đã là ông chủ mới ở Trung Đông.

Dẫu cuộc chạy đua về kinh tế ở Trung Đông nghiêng hẳn về phía Mỹ bởi GDP của Mỹ gấp 13 lần Nga, nhưng theo như Đại sứ Nga ở Syria năm 1989-1994 Alexander Zotov, đó không phải lúc nào cũng là yếu tố quyết định.

Như Tổng thống Nga Vladimir Putin mới tuyên bố gần đây, Nga trở thành điểm đến của nhiều quốc gia trên thế giới và sống sót tốt trong trừng phạt là bởi không gắn kèm lợi ích kinh tế với đòi hỏi chính trị.

Chẳng phải tự nhiên mà Moscow đã và đang có được lợi thế thực sự nếu không muốn nói là ông chủ mới ở Trng Đông. Chiến thuật nóng từ cái đầu lạnh của người lãnh đạo cũng như sai lầm mang đầy âm mưu của chính quyền phương Tây đã thực mời Nga tham dự, từ đó, giành ưu thế trong bàn cờ Trung Đông.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn