Mỹ níu kéo
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/10, cơ quan này đã chấp thuận bán hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD cho đồng minh tại vùng Vịnh là Saudi Arabia nhằm hỗ trợ an ninh lâu dài Saudi Arabia và vùng Vịnh trước mối đe dọa trong khu vực, đặc biệt từ Iran.
Việc Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ đồng ý bán bán THAAD cho Saudi Arabia đã gây bất ngờ cho nhiều người và động thái này đã được cựu chuyên gia cấp cao CIA Bruce Riedel, hiện làm việc tại Viện Chính sách Brookings nhận định, đây là quyết định níu kéo đồng minh tại vùng Vịnh của Mỹ.
Bruce Riedel cho rằng, thương vụ THAAD đã được Mỹ và Saudi Arabia đặt lên bàn nghị sự từ mấy năm gần đây nhưng chưa có quyết định chính thức nào được thông qua.
Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD. |
Được biết, cuối tháng 5/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự lễ ký kết một loạt hợp đồng quốc phòng với Saudi Arabia có hợp đồng bán vũ khí khổng lồ trị giá 110 tỉ USD có hiệu lực ngay lập tức và một hợp đồng quân sự khác trị giá tới 350 tỉ USD kéo dài trong vòng 10 năm.
Gói hợp đồng quốc phòng này sẽ hỗ trợ an ninh trong dài hạn đối với Saudi Arabia và vùng Vịnh trước các mối đe doạ từ bên ngoài. Nó cũng tăng cường năng lực của Saudi trong các chiến dịch chống khủng bố trên khắp khu vực, giảm gánh nặng lên quân đội Mỹ trong việc tiến hành các chiến dịch này.
Mặc dù vậy, chi tiết về bản hợp đồng vũ khí cực lớn này chưa được công bố, nhưng theo một số nguồn tin từ giới chức Washington thì thoả thuận này bao gồm các xe tăng, xe chiến đấu Bradley, pháo M109, xe thiết giáp chở quân và trực thăng. Đặc biệt, THAAD tiếp tục được thảo luận nằm trong gói hợp đồng 350 tỉ USD kéo dài trong vòng 10 năm giữa 2 nước.
Bởi theo vị chuyên gia này, việc Saudi Arabia mua hệ thống S-400 và rất ít cơ hội dành cho THAAD xuất phát từ nguyên nhân hệ thống phòng không chủ lực của nước này - hệ thống Patriot PAC 3 do Mỹ cung cấp đã hoạt động không hiệu quả trong suốt thời gian qua khiến nước này chịu nhiều tổn thất.
Đặc biệt là vụ tấn công bằng tên lửa Scud do các tay súng phiến quân Yemen thực hiện hồi năm 2015 khiến Tư lệnh Không quân của Arabia Saudi, Trung tướng Muhammad bin Ahmed Al-Shaalan thiệt mạng.
Chỉ tính từ năm 2015, đã có hàng chục quả tên lửa đạn đạo Scud và những phiên bản do phiến quân tại Yemen phóng đi nhằm vào các mục tiêu khác nhau trên lãnh thổ Arabia Saudi. Tuy nhiên, rất ít trong số đó đã bị PAC 3 đánh chặn.
Và THAAD cũng không thoát khỏi nghi vấn trở thành kẻ vô dụng đắt tiền. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Nhật Bản không mua THAAD như Hàn Quốc mà quyết định xây dựng hệ thống phòng Aegis trên cạn.
Đồng minh Mỹ ngả về Nga
Không chỉ mua vũ khí, Saudi Arabia còn dần cho Mỹ thấy, Nga đang trở thành đồng minh mới của mình và điều này được thể hiện rõ nhất trong chuyến thăm Nga của Quốc vương Saudi Arabia, ông Salman bin Abdulaziz Al Saud và phái đoàn kéo dài từ ngày 4-7/10.
Theo nhà phân tích kinh tế cấp cao Chris Weafer tại Tập đoàn tư vấn Macro-Advisory (Nga): "Đây là phái đoàn Saudi Arabia đến Nga lớn nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy phía Saudi Arabia xem quan hệ với Nga rất quan trọng với quyền lợi của mình".
Theo ông, sự kiện này đặc biệt ý nghĩa trong thời điểm ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Vịnh đang xuống dốc. Nga đã nhanh tay chớp lấy cơ hội. Ông Weafer đánh giá Nga đang có cơ hội tái lập ảnh hưởng lên vùng Vịnh dễ dàng hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, cố vấn cấp cao Theodore Karasik tại công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics (Mỹ), Nga đã âm thầm tìm kiếm cơ hội phát triển quan hệ với Saudi Arabia mà không để Mỹ biết trong cả thập niên qua. Mặt khác, chính quyền Riyadh cũng đánh giá nghiêm túc quan hệ với Moscow.
Cùng với đó, tờ The Washington Post cho rằng, hàng loạt yếu tố như bất ổn địa chính trị, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ lung lay, giá dầu sụt giảm và việc Nga dần trở thành một thế lực chính trị rõ rệt ở Trung Đông… đã dần đưa Saudi Arabia và Nga xích lại gần nhau như một điều tất yếu.
Ông Trump đã rất "ưu ái" Saudi Arabia, thậm chí chọn nước này làm điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Saudi Arabia vẫn chọn hướng sang Nga vì bất an với các ý định và chính sách thiếu rõ ràng của Mỹ ở Trung Đông.
Sự không rõ ràng trong những phát ngôn của ông Trump và các quan chức cấp cao Mỹ về vấn đề Qatar khiến Saudi Arabia thất vọng. Moscow và Riyadh vẫn còn quan điểm trái ngược đối với chiếc ghế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như vai trò của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, các thành trì tư tưởng đã dần thay đổi.
Việc ông Assad sẽ duy trì quyền lực đã dần được Saudi Arabia chấp nhận. Trong khi đó, Riyadh cũng nhận thấy bản thân rất cần Moscow để thương lượng với chính quyền Tehran, giảm hiện diện của lực lượng thân Iran tại Syria và giữ được sự ảnh hưởng ở Yemen.
Trước hàng loạt diễn biến gần đây cho thấy Saudi Arabia đã nhìn nhận Nga là một đồng minh đáng tin cậy trong một khu vực đầy bất ổn.
Theo Đất Việt