TP.HCM cùng Bình Dương xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò

Thứ bảy, 07/10/2017, 10:05
Hai địa phương thống nhất nạo vét, mở rộng và đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành giảm ô nhiễm ở kênh Ba Bò.

Chiều 6/10, các đơn vị, sở ngành Bình Dương cùng TP.HCM thống nhất phối hợp kiểm soát, xử lý trình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò từ nay đến năm 2020.

Tại buổi làm việc, Bình Dương nhận nạo vét bùn, rác thải để cải tạo, xây dựng bờ kè cũng như đường giao thông dọc tuyến kênh dài hơn 3km; tổng kinh phí khoảng 345 tỷ đồng.

Nhà máy xử lý nước thải tại thị xã Thuận An với công suất 17.000m3/ngày được tỉnh này đưa vào vận hành nhằm xử lý nước thải, chất thải từ các hộ dân dọc tuyến Bà Bò.

Ngoài ra, Bình Dương sử dụng camera quan sát, hệ thống quan trắc cũng như thiết bị lấy mẫu tự động về chất lượng nước trên kênh Ba Bò để giám sát vận hành xử lý nước thải của các khu công nghiệp.

Kênh Ba Bò giáp ranh Bình Dương và TP.HCM bị ô nhiễm.

Các mẫu vật, số liệu chất lượng môi trường nước trên kênh sẽ được chia sẻ với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Đồng thời, UBND tỉnh đã xử lý 17 cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp xả thải xuống kênh.

Đại diện TP.HCM nhìn nhận, chất lượng nước, cảnh quan môi trường kênh Ba Bò được cải thiện, từ khi hai địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý thải.

Thế nhưng, kết quả quan trắc sáu tháng đầu năm nay của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, hàm lượng Amoni vượt quy chuẩn 11,6 đến 19,4 lần; hàm lượng COD vượt chuẩn 0,3 lần.

Điều này cho thấy, tình trạng ô nhiễm tại đây có dấu hiệu trở lại vào cuối năm 2016. Nguyên nhân được cho do nước thải của người dân cũng như cơ sở kinh doanh xả trực tiếp khiến lượng rác thải ùn ứ, ô nhiễm.

Đồng tình với Bình Dương, phía TP.HCM sắp tới mở rộng lòng kênh từ hồ điều tiết đến hạ nguồn; riêng thượng nguồn kênh sẽ được nạo vét giảm ô nhiễm. Đồng thời sẽ đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất 20.570m3/ngày đêm theo công nghệ hồ sinh học.

Kênh Ba Bò nằm ở khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương. Từ những năm 1999 đến nay, Ba Bò được mệnh danh là con kênh thối, điểm đen về ô nhiễm môi trường.

Theo VNE

Các tin cũ hơn