|
Để đi nhận đồ cứu trợ, người dân phải lội bộ hơn 2 giờ đồng hồ từ nơi ở mới ra trung tâm xã Trà Vân |
Mất làng
Chưa bao giờ người dân xã Trà Vân (H.Nam Trà My, Quảng Nam), lại sống trong cảnh thấp thỏm đến như vậy. Mưa thối đất, thối trời. Những chỗ tưởng chừng là sẽ an toàn nhất, vững chắc nhất, cuối cùng lại khiến người ta phải vong mạng. Núi trở mình cuốn trôi mọi thứ. Những phận người mong manh, chỉ còn biết phó mặc trong cơn giận dữ của thiên nhiên.
|
Cảnh tan hoang tại nóc ông Tuân, sau vụ sạt lở núi kinh hoàng vào ngày 6.11. |
Sau hơn 1 tuần xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng tại nóc ông Tuân (thuộc thôn 2, xã Trà Vân) làm 4 ngôi nhà bị vùi lấp, 5 người chết và 9 người khác bị thương. Đến sáng ngày 15.11, đường từ Trung tâm H.Nam Trà My vào UBND xã Trà Vân đã thông tuyến tạm thời. Chúng tôi mới trở lại để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng này. Do đường bị sạt lở chia cắt nghiêm trọng, nên từ trung tâm xã Trà Vân vào thôn 2 phải mất thêm gần 1 giờ đồng hồ đi bộ.
Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận 4 căn nhà đã bị hàng ngàn mét khối đất đá đã đổ sập vùi lấp hoàn toàn. Khu vực xảy ra sạt lở như một bãi chiến trường, không còn một bóng người. Nhiều đồ dùng trong gia đình bị vùi lấp, nằm ngổn ngang, nhiều tấm tôn nằm rải rác trơ trọi. Từ một khu vực bằng phẳng, người dân dựng nhà để ở, chỉ sau một tiếng nổ lớn đã trở thành một bãi bùn đất tan hoang. Tất cả, như minh chứng cho một nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi. Cả ngôi làng với hơn 121 hộ dân, gần như bị xóa sổ sau trận sạt lở kinh hoàng ngày 6.11.
|
Hiện trường vụ sạt lở núi kinh hoàng khiến 4 ngôi nhà bị vùi lấp, 5 người tử vong, 9 người bị thương xảy ra vào ngày 6.11 |
Là người may mắn thoát chết trong trận lở núi kinh hoàng, anh Hồ Văn Đảng (31 tuổi, ở nóc ông Tuân), buồn bã nhớ lại vào khoảng 15 giờ ngày 6.11, anh cùng vợ đang ngồi trong nhà thì nghe ngọn núi sau nhà phát ra một tiếng nổ lớn. Lúc này con trai anh là Hồ Văn Đợi (8 tuổi), đang ngồi chơi bên nhà hàng xóm, thì đất đá bất ngờ ập xuống vùi lấp luôn 4 ngôi nhà, vợ chồng anh may mắn thoát chết nhưng con trai anh cùng một số người khác bị vùi lấp, 3 ngày sau mới tìm được thi thể.
“Sự việc xảy ra quá nhanh, khiến mọi người trở tay không kịp. Hàng chục con gia súc gia cầm, hàng trăm tấn lúa, gạo của người dân bị vùi lấp trong đống đất đá kia rồi”, anh Đảng, nói như khóc.
Theo anh Đảng, hiện nay trên địa bàn xã xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, vụ sạt lở ở nóc ông Tuân là nỗi ám ảnh kinh hoàng chưa từng có từ trước đến nay. Từ ngày vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra, hơn 121 hộ dân ở một số nóc như ông Dương, ông Bình, ông Miên… (thuộc thôn 2) và 23 hộ ở thôn 3, đã quá hoảng sợ nên dắt nhau bỏ đi ngay trong đêm tìm chỗ ở mới, khiến ngôi làng không còn một bóng người.
“Mọi tài sản dành dụm được bao nhiêu năm nay đều bị đất đá vùi lấp. Giờ chỉ biết tìm chỗ mới dựng lều, che tạm tấm bạt sống qua ngày thôi. Chúng tôi còn nhà đâu nữa mà về”, anh Đảng, buồn bã nói.
Sống cảnh màn trời chiếu đất
Thấy trời bắt đầu hửng nắng, một số người dân tranh thủ chạy bộ hơn 2 giờ đồng hồ từ nơi ở mới về nhà để di chuyển một số đồ đạc còn sót lại ra ngoài. Đang ngồi nhặt nhạnh chút gì đó còn sót lại trên đống đổ nát, ánh mắt thẫn thờ với nỗi khiếp sợ, anh Đinh Văn Ninh (28 tuổi), buồn bã nói sau trận sạt lở, dòng người bồng bế nhau băng rừng, lội suối bỏ chạy trong đêm. Hiện chỗ ở mới chỉ là những lán trại tạm bợ được che chắn bởi một tấm bạt nên điều kiện vô cùng thiếu thốn và khó khăn.
|
Nhà bị vùi lấp, hàng trăm người dân ở thôn 2 và thôn 3 (xã Trà Vân), phải dựng lều che bạt sống tạm qua ngày |
“Nhiều bữa không có chi ăn, tôi và một số người khác phải vào rừng kiếm rau để gia đình ăn qua ngày. Những ngày qua, thứ tài sản duy nhất để cầm cự mạng sống là những gói mì xin được. Người Ca Dong, chúng tôi vốn đã nghèo nay lại phải đi lang bạt, sống trong cảnh màn trời chiếu đất”, anh Ninh, thở dài.
Anh Ninh giọng nghẹn lại, rồi nói thêm: Từ cái ăn đến cái mặc đều không đủ, không biết hàng trăm người dân phải sống cảnh lán trại với những tấm bạt che tạm này đến bao giờ nữa. “Giờ về lại làng sợ lắm. Mấy lâu nay sống không bị chi hết. Giờ núi đổ ầm ầm rồi. Sợ lắm! Chắc chắn người dân sẽ không trở về lại đây nữa đâu. Dân chúng tôi mất làng rồi…!", anh Ninh kêu lên.
|
Với người dân Ca Dong, mì gói là tài sản lớn nhất để họ cùng con cái cầm cự qua ngày |
Thiên tai khó có thể lường hết được, nhưng những gì mà nó để lại sau trận sạt lở núi vào ngày 6.11, thì thật sự quá kinh hoàng với người dân nơi đây. Nơi đây giờ chỉ còn lại cảnh hoang tàn và không khí tang thương, bao trùm lên cả một ngôi làng mà người dân đã gắn bó bao đời nay.
Giờ, hàng trăm người dân ở thôn 2 và thôn 3 (xã Trà Vân), giống như người lạc giữa màn mưa trắng xóa và núi đồi như đang trong cơn chuyển mình dữ dội. Họ chạy! Nhưng chỉ chạy một cách vô thức, như thể khi chạy, để tìm kiếm cơ hội sống sót. Trước mắt, cứ kiếm chỗ an toàn thì dựng lều ở tạm, chứ giờ họ đã hết chỗ để bấu víu.
Theo Thanh Niên