|
Người dân bày bán hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình (quận 1). |
Thực hiện lời hứa trước đó của mình, vừa qua ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, đã nộp đơn xin từ chức. Ông suy nghĩ gì về trường hợp này?
Có hai luồng ý kiến khác nhau, trong đó, đa số ý kiến rất ca ngợi về con người ông ấy. Họ cho rằng, phía đằng sau, phía bên trong chưa biết thế nào, nhưng chỉ riêng việc ông ấy có đơn xin từ chức vì không làm được trọn lời hứa thì người ta đánh giá cao. Đó là một cán bộ có lòng tự trọng, một con người có liêm sỉ, dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với sự thật và không coi việc tham quyền cố vị như một lợi ích đương nhiên.
Bởi xét ở khía cạnh nào đó, nếu không từ chức thì ông ấy vẫn được đứng ở vị trí một phó chủ tịch của một quận của một thành phố trực thuộc trung ương rất quan trọng. Hơn nữa, thành phố ấy lại vừa được Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đặc thù. Có thể nói, đây là một sự kiện có một không hai trong công tác cán bộ.
Còn luồng ý kiến thứ hai lại không tán thành. Họ cho rằng, đó là việc làm có tính chất hơi cực đoan. Lẽ ra phải sử dụng nhiều biện pháp căn cơ, giáo dục tuyên truyền cho người ta tự sửa chữa, rồi phải đưa ra tòa, xử phạt hành chính... Còn nếu làm như ông Hải lại động chạm đến quá nhiều người, thậm chí có ý kiến nói động đến cả người có thu nhập thấp, kiếm sống ở vỉa hè.
Tuy nhiên, phải nhắc lại rằng, luồng ý kiến đồng tình và ca ngợi ông ấy là cơ bản.
Cá nhân ông nghiêng về luồng ý kiến nào?
Tôi theo luồng ý kiến thứ nhất. Rất nhiều người, cả đại biểu Quốc hội, cán bộ đương chức và cả đã về hưu, cán bộ làm công tác pháp luật, luật sư… đều đánh giá rất cao ông Hải. Người ta đều cho rằng, nếu ông Hải không được tiếp tục làm công việc đó thì đó là một sự mất mát của nhà nước.
Ông vừa nói đến cái gọi là “phía đằng sau, phía bên trong”. Vậy theo ông có cần phải làm rõ, xem có uẩn khúc gì sau việc ông Hải xin từ chức?
Nói uẩn khúc thì cũng chưa hẳn. Nhưng có thể phía sau đó vẫn có một cái gì đó làm cho người ta thấy cần phải suy nghĩ, chưa thực sự cảm thấy mát lòng, mát ruột.
Ông Đoàn Ngọc Hải khi ra làm nhiệm vụ này, hẳn không phải tự mình ông ấy quyết định được. Phải có một sự lãnh đạo, chỉ đạo, phải có quan điểm chủ trương, kế hoạch rõ ràng. Nghĩa là không phải ông ấy làm tự phát. Dù còn mặt này mặt kia, nhưng về cơ bản người ta thấy, khi ông Hải đi qua đã dẹp bỏ được cái xấu trên mặt đường.
Mặt được nhìn thấy rất rõ, và sau khi không cho ông ấy làm nữa, vỉa hè lại tiếp tục bị lấn chiếm. Tình trạng hỗn loạn, mất kỷ cương lại tiếp tục xảy ra. Điều này xâm phạm đến lợi ích của người dân, của người tham gia giao thông. Vậy TP.HCM sẽ đánh giá như thế nào về những việc tôi vừa nêu ra?
Nếu nói cách làm của ông Hải chưa phù hợp, vậy cách nào mới đúng? Ai nói phương pháp tốt thì lấy ra để so sánh cách làm của ông ấy đi. Nếu chủ trương đúng, cách làm đúng, nhưng hiệu quả không cao thì phải đặt ra vấn đề, tại sao lại như vậy? Có phải lỗi của ông ấy không? Nếu lỗi của ông ấy, ông ấy từ chức thì đã đành. Nhưng vấn đề ở đây là, ông ấy đã sai ở điểm nào?
Nói về câu chuyện quản lý, trong thời kỳ hỗn mang, cần phải có một bàn tay sắt, phải có một lực lượng mạnh để dẹp yên. Phải chăng câu chuyện của ông Hải nằm vào đúng vị trí này? Thế thì sao lại nói đó là cách làm sai? Có người nói đi khởi kiện người làm sai, lấn chiếm vỉa hè. Tôi cho rằng, nếu làm như thế thì có mất hàng trăm năm chúng ta cũng không làm được. Cái gọi là “căn cơ” chỉ là biện pháp giả vờ.
Nếu tôi là lãnh đạo thành phố…
Khi ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức, nhiều người cho rằng, chúng ta đã thua trong “cuộc chiến” lấy lại vỉa hè?
Ở khía cạnh nào đó cũng có thể coi là như vậy. Có thời kỳ ở các thành phố, ai muốn bán hàng thì xe máy phải đưa vào trong nhà. Tại sao bây giờ lại không giữ được? Phải chăng đó là sự thất bại từ một chủ trương, chính sách mà chúng ta gọi là quản lý đô thị? Để đến giờ chúng ta thấy khắp nơi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường một cách tự nhiên.
Đô thị văn minh rất cần sự quản lý chặt chẽ, thống nhất, quyết liệt. Ước nguyện của người dân cũng vậy. Thế thì tại sao lại không tiếp tục để ông Hải làm, hoặc điều chỉnh phương cách của ông ấy cho phù hợp? Sao chúng ta không hậu thuẫn, ủng hộ để ông ấy tiếp nối công việc và nhân rộng điển hình này? Nếu dừng lại, tôi cho rằng đó là một sự thất bại, không phải của một con người, một quận mà là sự thất bại về một chủ trương rất lớn - chủ trương về văn minh đô thị, chủ trương chống lại lợi ích nhóm, bảo kê, sân sau…
Nếu đặt vào địa vị là lãnh đạo TPHCM, ông sẽ làm gì trước lá đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải?
Đây là câu hỏi rất thú vị và cũng rất khó. Vì tôi là tôi chứ không phải người của chính quyền thành phố. Nhưng nếu đặt tôi vào vị trí người đứng đầu thành phố, tôi sẽ không cho ông Hải từ chức, tiếp tục để ông ấy làm công việc của mình. Và tôi đề nghị, tất cả các sở ban ngành phải ngồi lại, để rút kinh nghiệm về những việc làm của ông Hải. Từ đó xem những gì cần điều chỉnh thì phải điều chỉnh. Đồng thời, phải xây dựng một kế hoạch, hành động cụ thể để đồng loạt ra quân trong tất cả các quận, huyện của thành phố.
Làm như vậy sẽ trọn vẹn cả đôi đường. Vừa để khẳng định trước nhân dân rằng, dẹp vỉa hè, lòng đường, xây dựng văn minh đô thị là vấn đề cần thiết, cấp bách. Đồng thời vừa khẳng định ông Hải là người có đóng góp, và việc này không thể dừng lại, không thể đầu hàng mà vẫn phải tiếp tục tuyên chiến với những thói hư, tật xấu trong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vốn đang rất nhức nhối hiện nay.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong