Mỹ muốn 'đấm vỡ mũi" Triều Tiên sau mỗi lần khiêu khích

Thứ ba, 09/01/2018, 13:52
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bàn tính chiến lược tấn công các mục tiêu tại CHDCND Triều Tiên sau mỗi lần nước này thử hạt nhân hoặc tên lửa để chứng tỏ sự răn đe.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk

Tờ The Wall Street Journal ngày 9.1 đưa tin các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đang âm thầm bàn bạc về chiến lược gọi là “chảy máu mũi” để răn đe Triều Tiên nhưng không khiến nước này tấn công hạt nhân đáp trả.

Cụ thể, sau mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân, Mỹ sẽ tấn công vào một mục tiêu nhất định nào đó để làm “chảy máu mũi” Triều Tiên và cho nước này biết cái giá phải trả cho hành động của mình. The Wall Street Journal không dẫn bình luận nào của chính quyền Mỹ về những thông tin này.

Tuy nhiên, ý tưởng trên bị cho là gây ra nguy cơ cực kỳ lớn vì Triều Tiên có thể đáp trả bằng cách phóng hàng loạt quả đạn pháo, tên lửa qua Hàn Quốc trong vài phút và gây thương vong cho hàng ngàn người.

Bên cạnh đó, mối hiểm họa cũng có thể khó lường nếu Triều Tiên quyết định leo thang đòn đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân. Chính những nguy cơ này mà các quan chức Mỹ vẫn còn tranh luận về tính khả thi của ý tưởng và chưa có dấu hiệu nào cho thấy biện pháp này đang được chuẩn bị, theo The Wall Street Journal.
Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được cho là đang cố cảnh báo Tổng thống Trump về ý tưởng này trong khi Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster là người ủng hộ mạnh mẽ.
Thông tin trên được đưa ra giữa thời điểm Hàn Quốc và Triều Tiên có cuộc đối thoại quan trọng tại Bàn Môn Điếm sau hơn 2 năm. Mặc dù nội dung cuộc họp chủ yếu xoay quanh vấn đề tham dự Thế vận hội Olympic của đoàn Triều Tiên, nhưng phía Mỹ trước đó nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại nên tập trung vào việc loại trừ kho hạt nhân của Bình Nhưỡng thay vì chỉ kiềm chế lại.
Dù vậy, thành viên đoàn đối thoại Hàn Quốc ngày 9.1, Thứ trưởng Thống nhất Chun Hae-sung thông báo Seoul đã đề xuất hai miền Triều Tiên đối thoại quân sự trong thời gian tới để giảm căng thẳng, theo Reuters.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn