Ông Đinh La Thăng xuất hiện trước tòa. Ảnh AP/TTXVN |
Các báo này đưa tin, Việt Nam hôm 8.1 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lớn về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Tại phiên tòa có mặt hai nguyên đơn dân sự là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), sáu giám định viên.
AP đưa tin, vụ án này có tổng số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm 17 bị cáo bị tạm giam, 5 bị cáo tại ngoại. Trong đó, 12 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có nhân vật từng là quan chức cấp cao Đinh La Thăng, 57 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN).
Riêng hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nguyên Tổng Giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (sinh năm 1971, nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả hai tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “tham ô tài sản.”
Các hãng thông tấn nước ngoài dẫn nguồn tin từ báo chí trong nước cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng trên 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng đã bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Hãng tin AP dẫn lời bình luận của ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore cho rằng, phiên tòa xử các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng bọn "đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc rằng sẽ không có vùng cấm trong chiến dịch chống tham nhũng, và các quan chức tham nhũng, cho dù họ là ai và họ giữ vị trí nào, cũng sẽ bị đưa ra xét xử”. Cũng hãng tin này dẫn lời ông Ngô Quang Hùng, 62 tuổi, người về hưu, là một trong số ít người tụ tập bên ngoài tòa án nói: "Tôi vui mừng vì Đảng, chính phủ đã quyết tâm diệt trừ tham nhũng như những gì thể hiện ở phiên tòa này. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ thực sự thành công nếu số tiền thiệt hại được trả về nhà nước."
Reuters cho biết không thể liên lạc với luật sư đại diện cho Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Phiên tòa kéo dài đến ngày 21.1.
Theo Dân Việt