Điều gì xảy ra khi chính phủ Mỹ "đóng cửa tắt đèn"?

Thứ bảy, 20/01/2018, 12:09
Gói ngân sách tạm thời để duy trì hoạt động của chính phủ Mỹ đã không thể "qua cửa" Thượng viện, đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa vô thời hạn.

Dự luật để cung cấp ngân sách tạm thời cho việc vận hành chính phủ Mỹ đã không được thông qua ở Thượng viện khi chỉ còn 90 phút nữa là đến nửa đêm ngày 19/1. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa khi đồng hồ nhích sang 0h ngày 20/1.

Đây là lần thứ 13 chính phủ Mỹ phải đóng cửa kể từ thập niên 1980 đến nay, nhưng là lần đầu tiên một Tổng thống với đảng của mình nắm quyền kiểm soát ở Quốc hội nhưng vẫn không thể thông qua ngân sách.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải kỷ niệm 1 năm ngày ông nhậm chức bằng sự kiện chính phủ liên bang đóng cửa do không được thông qua ngân sách hoạt động. Ảnh: AFP.

Vì sao chính phủ Mỹ phải đóng cửa?

Vì Quốc hội không thể thông qua gói ngân sách cho việc duy trì hoạt động của các cơ quan trong chính quyền liên bang. Cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua được một gói ngân sách tạm thời để duy trì hoạt động của chính phủ thêm một tháng. Dù vậy, gói ngân sách tạm thời tiếp theo đã không "qua cửa" thành công ở Thượng viện.

Để dự thảo được thông qua ở Thượng viện, đảng Cộng hòa cần thêm sự đồng ý của 9 thượng nghị sĩ Dân chủ. Đảng Dân chủ đang muốn ép Tổng thống và phe Cộng hòa tìm một giải pháp cho chương trình DACA của cựu Tổng thống Barack Obama. Đây là chương trình bảo vệ những người nhập cư bất hợp pháp bị đưa vào Mỹ từ khi còn nhỏ nhưng đã bị Tổng thống Trump cho ngưng hiệu lực.

Có phải mọi cơ quan chính phủ đều đóng cửa không?

Không phải mọi cơ quan đề bị "đóng băng" hoạt động. Các bộ phận "tối quan trọng" như Bộ An ninh Nội địa hay FBI vẫn được duy trì.

Guardian cho biết trong một cuộc đóng cửa, gần 40% nhân sự chính phủ bị đặt ở tình trạng "nghỉ phép", hay thất nghiệp tạm thời, không làm việc và không được trả lương. Dù vậy, đó phần lớn là các nhân sự không nằm trong cơ quan phòng vệ. Các quân nhân đang làm nhiệm vụ không bị ảnh hưởng.

Theo CNN, trong những lần đóng cửa trước, các nhân viên vẫn được trả lương cho thời gian nghỉ sau khi thỏa thuận về ngân sách được thông qua. Các nghị sĩ Quốc hội thì vẫn được trả lương.

Dịch vụ Bưu chính Mỹ vẫn hoạt động, đồng nghĩa với việc thư từ sẽ không bị gián đoạn. Cơ quan kiểm soát không lưu, an ninh vận tải hoặc an sinh xã hội cũng vậy. Tuy nhiên, nếu một người muốn xin giấy phép sử dụng súng, họ có thể sẽ phải đợi vì Cơ quan kiểm soát Cồn, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ lại bị đóng cửa. Du khách sẽ thất vọng nếu muốn tham quan các công viên quốc gia, bảo tàng hay sở thú của nhà nước.

Cuộc thảo luận đến nửa đêm tại Đồi Capitol không cứu vãn được việc chính phủ liên bang phải đóng cửa. Ảnh: AFP.

CNN cũng lưu ý rằng cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller nhằm vào nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ sẽ vẫn tiếp tục.

Quân đội Mỹ có bị ảnh hưởng không?

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói là có.

Ông cho rằng việc đóng cửa chính phủ sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động duy trì, huấn luyện và tình báo của quân đội. "Hơn 50% nhân lực trong khối dân sự của chúng tôi sẽ phải nghỉ làm. Chúng tôi có rất nhiều hoạt động tình báo trên khắp thế giới và chúng cần tiền, những việc đó sẽ phải dừng lại", Reuters dẫn lời ông nói.

Tuy nhiên, việc đóng cửa không ảnh hưởng đến các hoạt động của Mỹ tại Afghanistan hay cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Mattis sẽ rời Mỹ để lên đường thăm châu Á vào cuối tuần này, bất chấp việc chính phủ đóng cửa. Việt Nam và Indonesia cũng nằm trong lịch trình chuyến thăm này.

Đóng cửa chính phủ sẽ giúp tiết kiệm ngân sách?

Thật ra là ngược lại. Guardian dẫn một báo cáo của hãng phân tích S&P Global vào tháng 12/2017 cho biết một cuộc đóng cửa chính phủ sẽ làm tổn thất của chính phủ Mỹ khoản 6,5 tỷ USD/tuần. Phân tích này dựa trên tổn thất của các lần đóng cửa trước kèm dự đoán về thiệt hại cho nền kinh tế.

"Một sự gián đoạn trong chi tiêu chính phủ đồng nghĩa với việc không có khoản chia trả nào để tiêu dùng, các nhà cung cấp dịch vụ từ khối tư nhân mất công ăn việc làm và doanh thu, các cửa hàng bán lẻ không bán được hàng, đặc biệt là những người có liên hệ với những công viên quốc gia bị đóng cửa, và thất thu thuế cho đất nước", Guardian dẫn báo cáo. "Đồng nghĩa với một nền kinh tế ít hoạt động và ít công ăn việc làm hơn".

Gần 1 triệu người sẽ không nhận được các khoản chi trả định kỳ khi việc đóng cửa xảy ra. Trong các lần đóng cửa chính phủ trước, viên chức được trả lương bù sau đó, nhưng việc này thường bị chậm trễ.

Khu vực tham quan tượng Nữ thần Tự do bị đóng cửa trong đợt đóng cửa chính phủ năm 2013. Ảnh: AFP.

Chuyện này có thường xảy ra không?

Khá thường. Từ năm 1981 đến nay, nước Mỹ đã trải qua 12 lần chính phủ phải đóng cửa và dịp đóng cửa này của chính phủ Tổng thống Trump là lần thứ 13. Đợt đóng cửa dài nhất xảy đến trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Bill Clinton với thời gian 21 ngày, từ tháng 12/1995-1/1996.

Lần đóng cửa gần nhất là dưới thời cựu Tổng thống Obama vào năm 2013 khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối thông qua ngân sách trong đó có việc chi trả cho luật chăm sóc sức khỏe. Kết quả là chính phủ đóng cửa 16 ngày và 850.000 nhân viên liên bang bị ảnh hưởng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn