Trung Quốc thuyết phục nghi phạm tham nhũng về nước như thế nào?

Thứ hai, 22/01/2018, 14:38
Luật sư Canada nói rằng Trung Quốc hứa hẹn nương tay với nghi phạm tham nhũng để dụ họ về nước nhưng cuối cùng không thực hiện lời hứa.

Hạ Kiệm bị bắt ngày 7/11/2017 khi từ Canada về Trung Quốc.

Ngày 7/11 năm ngoái, nghi phạm tham nhũng Hạ Kiệm trở về Trung Quốc từ Vancouver. Khi chuyến bay vừa hạ cánh xuống Bắc Kinh, cựu giám đốc một chi nhánh bất động sản của Tập đoàn cảng Hà Bắc ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ.

Hạ Kiệm đã trốn sang Canada năm 2010 và sống lặng lẽ ở thị trấn bên bờ biển Nanaimo tại Đảo Vancouver. Năm 2015, tên và hình ảnh của ông nằm trong danh sách 100 nghi phạm bị truy nã đã trốn ra nước ngoài của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI).

Thực tế, Hạ không bắt buộc phải rời Canada, nơi không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc. Hạ cũng không đối mặt với cáo buộc nào ở Canada. Theo CCDI, ông đã tự nguyện trở về Trung Quốc và tự thú.

Ngày 6/12, CCDI thông báo một nghi phạm gian lận tài chính khác ở Canada, cựu nhân viên thu thuế Vân Nam Lý Văn Cách cũng đã tự nguyện về nước. Tuy nhiên, cũng giống như Hạ, Lý không đối mặt với cáo buộc nào ở Canada và không bắt buộc phải về Trung Quốc.

Vì sao họ quyết định như vậy? Có rất ít thông tin chi tiết về lý do Hạ và Lý về nước. Tuy nhiên, một trường hợp tiền lệ có thể cung cấp manh mối về cách họ đã được thuyết phục, theo SCMP.

Thỏa thuận ngầm

Tháng 1/2012, nghi phạm Lý Đông Triết trở về Bắc Kinh mặc dù không bị Canada trục xuất. Lý bị cáo buộc biển thủ 113 triệu USD trong một trong những vụ gian lận ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc.

Lý, em trai và gia đình mình đến Canada vào ngày 31/12/2004 bằng visa du lịch. Trước khi đến, họ đã lập tài khoản ngân hàng, lập công ty, mua siêu xe và căn hộ hạng sang ở Vancouver. Nhưng vào năm 2005, khi chính quyền Trung Quốc tìm kiếm anh em nhà Lý, họ đã bán tài sản, bỏ đăng ký xe và đóng tài khoản ngân hàng.

Vợ con họ trở về Trung Quốc năm 2005. Anh em nhà Lý ở lại Canada để xin tị nạn nhưng không thành công. Tuy nhiên, cơ quan di trú Canada đánh giá rằng họ có thể gặp nguy hiểm nếu bị trục xuất nên cho phép họ ở lại.

Dù vậy, cuộc sống của họ rất bức bối. Lý phải tuân thủ giờ giới nghiêm, quy định nghiêm ngặt và phải đeo vòng theo dõi điện tử. Đôi khi ông bắt buộc phải đi cùng luật sư riêng của mình, Douglas Cannon, nếu muốn đi lại xung quanh Vancouver.

Lý Đông Triết (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh với cảnh sát và tổng lãnh sự Trung Quốc ở Canada năm 2011. Ảnh: Douglas Cannon

Chán ngấy cuộc sống như vậy, Lý quyết định thương lượng với chính quyền Trung Quốc. Ông liên lạc với một cảnh sát tại đại sứ Trung Quốc ở Ottawa vào giữa năm 2011.

Theo Cannon, anh em nhà Lý thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc rằng Lý Đông Triết sẽ chỉ bị lĩnh án tù tối đa 15 năm và em ông sẽ không bị tống giam. Ngoài ra, Lý còn đưa ra các yêu cầu rằng ông sẽ không bị còng tay và được đối xử như một hành khách thông thường khi máy bay đáp xuống Trung Quốc. Lý muốn được ở một nơi an toàn khi cuộc điều tra diễn ra và được về nhà ăn tết với mẹ.

Sau khi thỏa thuận được thống nhất, Lý còn phấn khởi đến mức ông đã chụp ảnh với cảnh sát và tổng lãnh sự Trung Quốc ở Canada.

Tuy nhiên, sau khi về nước, Lý nhận ra rằng những thỏa thuận riêng đó không được thực hiện. Năm 2014, Lý lĩnh án chung thân. Tài sản bị tịch thu. Em trai ông chịu án tù 25 năm.

Lý Đông Triết ra tòa năm 2014.

"Giới chức Trung Quốc nói rằng chúng tôi không quan tâm các anh nghĩ rằng chúng tôi đã hứa với các anh điều gì. Cả hai sẽ bị tống giam, và Đông Triết, anh sẽ lĩnh án chung thân", luật sư Cannon nói.

"Không nghi ngờ gì, chính phủ Trung Quốc đã phá vỡ lời hứa của họ", ông nói thêm.

Theo VNE

Các tin cũ hơn