Hé lộ bài huấn luyện tâm lý của “đội quân sắc đẹp” Triều Tiên

Thứ tư, 21/02/2018, 08:56
Một người đào tẩu từng là thành viên của đội cổ vũ Triều Tiên đã tiết lộ những bài huấn luyện tâm lý dành cho những cô gái trong “đội quân sắc đẹp” của quốc gia này.


Han Seo-hee từng là một thành viên của đội cổ vũ Triều Tiên trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc (Ảnh: BBC)

Trong cuộc phỏng với BBC gần đây, Han Seo-hee, một người Triều Tiên đào tẩu đang sống ở Hàn Quốc, cho biết cô và các thành viên khác trong đội cổ vũ từng được huấn luyện tâm lý để duy trì lập trường cơ bản rằng họ là những chiến sĩ tuyến đầu trong việc thúc đẩy tư tưởng Juche. Juche là thuật ngữ do cố lãnh đạo Kim Nhật Thành đưa ra, trong đó nhấn mạnh hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa tự lực tự cường, không phụ thuộc vào bên ngoài của Triều Tiên.

“Chúng tôi được dặn dò rằng không nên ngạc nhiên hoặc cảm thấy sốc về một thế giới khác mà chúng tôi chưa từng được biết. Đặc biệt, điểm trọng tâm của quá trình huấn luyện là chúng tôi không được quên quê hương đất nước, dù chỉ một phút. Và chúng tôi cũng không được quên rằng, chúng tôi ở đó là để tôn kính nhà lãnh đạo Kim Jong-un”, Han Seo-hee nói với BBC.

Trước khi đào tẩu, Han Seo-hee từng là một thành viên của cả đội cổ vũ và đoàn nghệ thuật Triều Tiên. Cô cho biết nhiệm vụ của đội cổ vũ Triều Tiên khi đi ra nước ngoài không phải chỉ để cổ vũ, mà còn là “chiếm trọn trái tim của đối phương”.

“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ chiếm được trái tim của đối phương để cho họ thấy niềm tự hào của chúng tôi. Chúng tôi cần thể hiện rằng chúng tôi tốt đẹp hơn những nước khác”, Han cho biết thêm.

Theo Han Seo-hee, một số người bạn của cô trong đội cổ vũ và nghệ thuật của Triều Tiên “không muốn quên quê nhà”, do vậy họ đã “lấy một ít đất để cho vào hành lý”. Trong khi đó, một số người khác đặt chân dung cố lãnh đạo Kim Jong-il trong một “tấm lụa đỏ” và đặt trong túi xách.

Đội cổ vũ Triều Tiên tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2

Han Seo-hee kể lại rằng khi còn là thành viên của đội cổ vũ Triều Tiên, cô được yêu cầu không nói chuyện nếu đi ra nước ngoài, phớt lờ câu hỏi của các phóng viên và thậm chí không giao lưu bằng mắt với người ngoài. Theo Han, đội cổ vũ Triều Tiên đều là những người có nền tảng tốt và trung thành với chính quyền, do vậy khả năng đào tẩu gần như không xảy ra trong thời gian họ hoạt động ở nước ngoài. Han Seo-hee cũng nhớ lại vụ việc từng xảy ra năm 2003 mà cô cho rằng đã khiến người Hàn Quốc sửng sốt.

“Khi đội cổ vũ tới Hàn Quốc, trời đang mưa và chân dung của lãnh đạo Kim Jong-il trên lá cờ chính bị ướt. Do cảm thấy lo lắng nên toàn bộ đội cổ vũ đã chạy ra ngoài xe buýt và tập trung lại để bảo vệ bức chân dung đó. Những người dân Hàn Quốc khá bất ngờ với hình ảnh này vì trông nó giống như một nghi lễ tôn giáo”, Han Seo-hee nhớ lại.

Tại Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai năm nay, Triều Tiên đã cử đội cổ vũ gồm 229 cô gái trong độ tuổi đôi mươi tới “tiếp lửa” cho các vận động viên trong các trận thi đấu. Họ là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các trường đại học hàng đầu và xuất thân từ những gia đình trung lưu Triều Tiên.

Ngay sau khi đặt chân tới Hàn Quốc, sự xuất hiện của đội cổ vũ đã trở thành tâm điểm chú ý của công chúng và được gọi là “đội quân sắc đẹp” Triều Tiên. Ngoài đội cổ vũ, Triều Tiên cũng đưa tới Hàn Quốc đoàn nghệ thuật gồm 140 thành viên để tổ chức hai đêm nhạc ở Gangneung và Seoul trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích