Dòng người tháo chạy khỏi nạn đói ở biên giới Venezuela

Thứ ba, 27/02/2018, 14:34
Dòng người di cư Venezuela tay xách nách mang hướng về biên giới Colombia với hy vọng thoát khỏi cảnh đói kém ở quê nhà.

Đoàn người di cư đi bộ trên một cao tốc ở Paraguachon, sau khi qua biên giới Venezuela - Colombia hôm 16/2. Ảnh: Reuters.

Dưới nắng gió sa mạc, hàng trăm người di cư Venezuela vai nặng trĩu balo, tay lỉnh kỉnh hành lý lầm lũi bước trên con đường hướng về thị trấn Maicao, thành phố biên giới Colombia, theo Reuters.

Dòng người đứt đoạn, tạo thành một đường ngoằn ngoèo dài cỡ 13km tới cửa khẩu Paraguachon, nơi đông đảo người Venezuela đang chờ đợi dưới cái nóng bên ngoài điểm kiểm soát xuất nhập cảnh.

Tại cửa khẩu, người làm nghề đổi tiền ngồi trước một cái bàn, bên trên là từng chồng tiền Venezuela xếp cao ngất nhưng mất giá trị do siêu lạm phát. Cửa khẩu Paraguachon đang là nơi đầu tiên chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất Mỹ Latin.

Những người Venezuela tới đây trong tình trạng đói khát, mệt mỏi, không biết sẽ qua đêm ở đâu. Họ nằm trong số hơn nửa triệu người Venezuela đã chạy sang Colombia, trong đó có rất nhiều người nhập cư trái phép, với hy vọng thoát khỏi đói nghèo, bạo lực gia tăng, thiếu thốn thuốc men và thực phẩm ở quốc gia dầu mỏ giàu có một thời.

"Chúng tôi buộc phải lựa chọn giữa vượt biên và chết đói. Chỉ có hai lựa chọn đó mà thôi", Yeraldine Murillo, 27 tuổi, người mẹ buộc phải để lại con trai 6 tuổi ở Maracaibo, thành phố bên kia biên giới Venezuela, cho hay.

"Ở đó, chúng tôi phải lục rác ăn", Murillo nói. Cô hy vọng tìm được việc làm ở Bogota, thủ đô Colombia và gửi tiền về quê nuôi con.

Cuộc tháo chạy quy mô lớn của người dân Venezuela đang gây báo động tại Colombia. Một cán bộ kiểm soát xuất nhập cảnh vẻ mặt đầy mệt mỏi cho hay mỗi ngày có tới 2.000 người Venezuela nhập cảnh hợp pháp vào Colombia, tăng hơn nhiều so với mức 1.200 người cuối năm ngoái.

Dưới áp lực quá tải từ những thị trấn biên giới như Maicao, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố thắt chặt kiểm soát biên giới trong tháng này và triển khai thêm 3.000 nhân viên an ninh.

Tuy nhiên, những biện pháp này dường như không ngăn được dòng chảy người di cư trái phép đổ về vùng biên giới dài hơn 2.200 km này. Tại Paraguachon, nơi nạn buôn lậu hoành hành từ lâu do kiểm soát biên giới kém hiệu quả, các quan chức ước tính có khoảng 4.000 người vượt biên trái phép vào Colombia mỗi ngày.

"Chúng tôi bỏ lại nhà cửa, xe cộ, tiền trong ngân hàng, mọi thứ tại Venezuela", Rudy Ferrer, một người làm nghề bán thiết bị điện tử cho hay. Sau khi vượt biên sang Colombia, ông ngủ ngoài một nhà kho ở Maicao. Người đàn ông 51 tuổi ước tính có khoảng 1.000 người Venezuela ngủ vật vờ ngoài đường ở thị trấn mỗi đêm.

Khủng hoảng

Khoảng ba triệu người Venezuela, tương đương 10% dân số, đã rời khỏi đất nước từ năm 1999 tới nay. Tình trạng lạm phát phi mã và khủng hoảng lương thực ở quốc gia này chưa có dấu hiệu kết thúc.

Luis Arellano, một thợ cơ khí, cùng các con là những người may mắn có giường để ngủ. Họ đang ở trong một trại tị nạn tại Maico do giáo phận Công giáo điều hành, với sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc. Người đàn ông 58 tuổi cho biết động lực để ông chạy khỏi Venezuela là cảnh các con khóc vì đói ăn.

"Khi đó là 20h, các cháu xin ăn bữa trưa, rồi bữa tối, mà tôi chẳng có gì cho các con cả", ông nói, tay đút cơm vào miệng con gái 7 tuổi. "Anh nhìn tay cháu xem, bé tí teo".

Một phụ nữ vẻ mặt đầy mệt mỏi cầm trên tay suất ăn từ thiện của một nhà thờ Công giáo tại Cucuta, Colombia hôm 21/2. Ảnh: Reuters.

Những người di cư cho biết họ phải trả 400.000 boliva (gần 14 USD) cho một cân gạo ở Venezuela. Trong khi đó, lương tối thiểu một tháng theo quy định của chính phủ là 248.510 boliva, tương đương 8 USD theo tỷ giá chính thức, hoặc 1,09 USD theo chợ đen. Thiếu thốn lương thực, nhiều người di cư gọi đùa họ đang theo "chế độ ăn kiêng của ông Maduro" và so sánh sự khác biệt trên ảnh thẻ căn cước chụp nhiều năm về trước.

Trại tị nạn có giường tầng xếp dọc theo tường trong phòng ngủ. Ở đây, người Venezuela được cung cấp thức ăn và chỗ ở trong ba ngày. Những người đến đoàn tụ với gia đình đang ở Colombia sẽ được tặng vé xe buýt. Tuy nhiên, nơi đây chỉ đủ chỗ ở cho 140 người một đêm, chẳng thấm gì so với lượng người di cư ngày một tăng.

Chính phủ Colombia cho phép người di cư sử dụng dịch vụ y tế công và gửi con cái đến trường học của nhà nước. Tổng thống Santos đang kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, vì chính phủ Colombia đã tốn hàng chục triệu USD giúp đỡ người Venezuela.

Tại một trại tị nạn khác ở Cucuta, thành phố biên giới cách Maicao khoảng 250km về phía Nam, người Venezuela thường xuyên ngủ trên bìa cáctông ngoài đường. Đây là thành phố biên giới lớn nhất và đang chịu gánh nặng từ người nhập cư. Khoảng 30.000 người băng qua cây cầu nối hai thành phố biên giới mỗi ngày để mua thực phẩm.

Đối với người nhập cư như Jose Molina, 48 tuổi, làm nghề bán thịt, ông đang tuyệt vọng vì không tìm được việc sau khi để lại vợ con ở bang Carabobo, miền Bắc Venezuela, 4 tháng trước.

"Tôi bị bệnh vì phải ăn khoai thối nhưng chẳng còn cách nào khác, tôi quá đói nên đành phải ăn", người đàn ông vẻ mặt bẩn thỉu, đầy mệt mỏi sau khi tỉnh giấc bên ngoài một nhà thờ, cho biết.

Molina vô vọng tới nỗi đã tính đến chuyện quay lại quê hương nhưng cuối cùng, ông vẫn ở lại vì tình hình ở nhà còn tệ hơn.

"Vợ tôi bảo mọi thứ ở nhà đang ngày càng tồi tệ, tốt nhất là cứ đợi ở đây", Molina nói. "Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho vợ con. Bản thân họ còn không đủ ăn".

Người Venezuela ngủ vật vờ ngoài đường phố Colombia. Ảnh: Reuters.

Trong khi nhiều người Colombia cảm thấy phải có nghĩa vụ chào đón người di cư, một phần vì Venezuela đã tiếp nhận nhiều người tị nạn Colombia trong suốt cuộc nội chiến kéo dài, thì một số khác lại sợ những người mới tới đoạt mất việc làm.

Sau khi một nhóm nhỏ người địa phương biểu tình chống dân Venezuela vào tháng trước, cảnh sát đã đuổi 200 người di cư đang sống tạm bợ trong một sân vận động, trục xuất nhiều người.

Flavio Gouguella, 28 tuổi, đến từ Carabobo, cho hay bị người Colombia thẳng thừng từ chối khi đi xin việc vì giọng nói Venezuela của mình.

"Mày là dân Veneco hả? Chẳng có việc làm đâu", Gouguella kể lại, sử dụng tiếng lóng có ý miệt thị người Venezuela của dân địa phương.

Tại Maicao, người địa phương cũng lo lắng về tình trạng gia tăng tội phạm và cảnh sát đang tìm cách truy quét người di cư tụ tập ở các công viên và vỉa hè. Họ cũng phải đối phó với hàng nhập lậu từ Venezuela gây ảnh hưởng tới ngành thương mại ở địa phương, cũng như mệt mỏi vì những người đi tìm việc hay cho người di cư thuê phòng tắm.

Sợ bị cảnh sát bắt, người di cư ở Maicao tránh tụ tập ở công viên và bến xe buýt, nơi họ từng thường xuyên bám trụ, chọn cách ngủ lại bên ngoài những cửa hàng đóng cửa. Nhiều phụ nữ di cư cho hay thường xuyên bị gạ gẫm bán dâm.

Tuyệt vọng vì không tìm được việc, một số người di cư đã biến những đồng bolivia mất giá thành túi giấy, mũ giấy, rao bán trong công viên ở Maicao.

"Cái ví này làm từ 80.000 bolivar", Anthony Morillo, 23 tuổi, chìa ra món hàng thủ công có hình Simon Bolivar, anh hùng giải phóng Nam Mỹ trong thế kỷ 19. "Chỗ này chưa bằng nửa bao gạo".

Theo VNE

Các tin cũ hơn