Tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam: Thông điệp bước tiến lịch sử

Thứ hai, 05/03/2018, 14:49
Với khoảng 3.000 lính sẽ lên bờ thực hiện các hoạt động giao lưu ở Đà Nẵng, đây sẽ là lực lượng quân đội Mỹ đông đảo nhất từng có mặt ở Việt Nam kể từ năm 1975.

Đội tàu hải quân, mà ngôi sao là "Đại bàng Vàng" USS Carl Vinson, cập bến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 5/3 là sự kiện lịch sử khi lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ hiện diện ở Việt Nam sau hơn 40 năm.

"Đây là một bước tiến lớn mang tính lịch sử, bởi không một tàu sân bay Mỹ nào có mặt ở đây suốt 40 năm qua. Bằng chuyến thăm này, chúng tôi hy vọng tiếp tục thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực", New York Times dẫn lời Chuẩn đô đốc John Fuller, chỉ huy cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson.

Tàu sân bay USS Carl Vinson cách bờ biển Việt Nam khoảng 5km sáng 5/3.

Quan hệ Việt - Mỹ bay cao

Với thủy thủ đoàn hơn 5.000 người và dự kiến khoảng 3.000 lính sẽ lên bờ thực hiện các hoạt động giao lưu ở Đà Nẵng, đây sẽ là lực lượng quân đội Mỹ đông đảo nhất từng có mặt ở Việt Nam kể từ 1975. Một bước tiến dài cho hai cựu thù hơn 40 năm trước.

Và như hình ảnh biểu tượng, Chuẩn đô đốc John Fuller chỉ huy cụm tàu sân bay USS Carl Vinson có người cha từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. 40 năm sau, người con trở lại nhưng trong thông điệp của hòa bình và là dấu ấn của bước tiến lớn giữa hai đối tác toàn diện, đang ngày càng thắt chặt quan hệ không chỉ là song phương mà còn cả trong các vấn đề khu vực, quốc tế.

"Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson không phải là kiểu sự kiện xảy ra một lần là xong. Đây là bước tiếp theo trong chuỗi các sự kiện cho thấy quan hệ quốc phòng Việt Nam - Mỹ đang được thắt chặt trong những năm qua", tờ Diplomat bình luận.

Bangkok Post nhận định chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson một lần nữa cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump rất muốn thúc đẩy xa hơn hợp tác an ninh với Việt Nam cũng như thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí. Tháng 12/2017, chiến lược An ninh quốc gia của ông Trump đã đưa Việt Nam vào danh sách "đối tác hợp tác hàng hải".

Tàu chiến Mỹ đầu tiên quay trở lại Việt Nam là khu trục hạm USS Vandergrift vào năm 2003. Kể từ thời điểm đó, những chuyến qua lại của tàu thuyền Mỹ tới các cảng tại Việt Nam ngày một nhiều hơn. Các thủy thủ Mỹ, trong các chuyến viếng thăm, đều có nhiều hoạt động giao lưu với quân đội và nhân dân Việt Nam.

Tờ Telegraph nhận định Việt Nam và Mỹ, sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, đã học được cách "thông cảm cho sự khó xử" của đối tác, và đó sẽ là nền tảng cho những bước phát triển tiếp theo trong tương lai.

"Rõ ràng quân đội hai nước đã thành công trong việc gác lại một quá khứ khó khăn để mở ra sự hợp tác tích cực ở mức độ cả hai đều cảm thấy thoải mái và hài lòng", Telegraph dẫn lời ông Larry Heather, chuyên gia chính trị châu Á từ trường Khoa học Chính trị, Đại học Southampton, Anh.

Thông điệp về hòa bình và ổn định khu vực

Truyền thông và giới chuyên gia quốc tế nhận định chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ từ cả Hà Nội và Washington về thúc đẩy hòa bình và an ninh trên Biển Đông.

Tờ Diplomat nhận định với động thái triển khai cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới Đà Nẵng, Mỹ muốn cho thấy nước này sẽ luôn hiện diện tại Tây Thái Bình Dương với cam kết bảo vệ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson. Nguồn: CNN.

Trong khi đó, Wall Street Journal coi chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson là lời khẳng định từ Washington cho thấy Mỹ sẽ không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, gây tổn hại tới quyền tự do qua lại cũng như các quy định của luật pháp quốc tế.

Theo CNN, chuyến thăm của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson không chỉ được chào đón tại Việt Nam mà còn nhận được sự ủng hộ từ Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

Theo Zing

Các tin cũ hơn