Nhiều quan chức trục lợi đất công

Thứ bảy, 03/03/2018, 11:51
Lợi dụng sơ hở trong quản lý đất đai, nhiều cán bộ, đảng viên tại Đắk Nông và Đắk Lắk đã chiếm dụng nhiều diện tích đất rừng, đất công để sử dụng, sang nhượng và trục lợi.

Hàng ngàn hecta rừng tại Đắk Lắk bị phá để sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích do cán bộ, đảng viên tại địa phương này quản lý, sử dụng

Cụ thể tại Đắk Nông, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục gia đình của cán bộ, đảng viên tại tỉnh này được cấp, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng đối tượng, gây bức xúc trong dư luận.

Nhận đất không đúng quy định

Một trong những địa phương "đi đầu" trong việc cấp hàng trăm hecta đất theo chương trình 135 trái quy định cho cán bộ, đảng viên là huyện Tuy Đức.

Trong số này có tên vợ ông K’Bốt (bí thư huyện ủy) và ông Nguyễn Duy Tân, trưởng Phòng TN-MT huyện Tuy Đức.

Theo hồ sơ, diện tích 15,6ha giao khoán cho gia đình ông K’Bốt do bà H’Yang (vợ ông K’Bốt) đứng tên tại tiểu khu 1525 xã Quảng Tín, hiện số diện tích rừng bị mất là 11,8ha.

Trong bản giải trình gửi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, ông K’Bốt cho biết do vợ không có công ăn việc làm nên mới xin nhận khoán diện tích trên.

Còn ông Nguyễn Duy Tân được giao 13,9ha tại xã Đắk Ngo, tuy vậy đến nay chỉ có 7,3ha đã trồng cao su, số còn lại bị phá.

Ngày 2-3, một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông (đề nghị không nêu tên) cho biết thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông vừa họp, thống nhất sẽ kiểm tra dấu hiệu vi phạm về đất đai đối với nhiều cán bộ, đảng viên trên toàn tỉnh.

Theo vị này, đến nay xác định 5-6 cán bộ, đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý có vi phạm về đất đai và đã giao Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy xác minh.

Riêng số cán bộ, đảng viên thuộc huyện quản lý sẽ do huyện kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.

Cũng theo vị này, Tỉnh ủy Đắk Nông đang giao UBND tỉnh soát xét lại toàn bộ các trường hợp để đề xuất hướng xử lý về cả con người lẫn đất đai.

"Đối tượng đầu tiên phải xử lý là các cán bộ, đảng viên do nể nang mà cấp đất sai quy định. Đối tượng thứ hai là những người lợi dụng chủ trương, chức vụ để chiếm đất. Đối tượng thứ ba là đất đai phải được thu hồi hoặc xử lý theo đúng quy định.

Hiện nay tổ công tác của tỉnh đã thành lập sẽ rà soát, nghiên cứu các vấn đề này để tham mưu xử lý" - vị này nói.

Tự ý mở đường, bán đất

Tại Đắk Lắk, dư luận đang rất quan tâm đến việc ông Nguyễn Trọng Hải, nguyên phó giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk (đã nghỉ hưu), xây nhà và sang nhượng trái phép nhiều lô đất trên diện tích mà gia đình ông này nhận liên kết để trồng cà phê.

Theo ông Lưu Văn Khôi, phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột: những lô đất này nằm trong tổng diện tích 5.830m2 mà gia đình ông Hải và Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột (đã giải thể) ký hợp đồng liên kết trồng cà phê vào năm 2013.

Theo hợp đồng, bên nhận khoán "không được giao lại đất khoán hoặc đơn phương chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3 dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được bên giao khoán chấp thuận".

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy ông Hải tự ý mở đường, phân lô, sang nhượng đất cho 7 hộ dân bằng giấy viết tay.

Hiện có 8 căn nhà xây trái phép trên đất liên kết, trong đó có nhà của ông Hải và ông Nguyễn Trọng Đông (con trai ông Hải).

Cũng theo ông Khôi, trước đó từ tháng 9-2016, sau khi phát hiện việc sang nhượng và xây dựng trái phép, Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột đã lập biên bản đối với những người vi phạm.

"Tuy nhiên, sau đó công ty không phối hợp với địa phương để lập hồ sơ xử lý theo quy định. Hiện TP Buôn Ma Thuột đã yêu cầu rà soát, xác minh, lập hồ sơ về các chủ đất, có nhà xây dựng trái phép trên đất liên kết để có cơ sở xử lý" - ông Khôi nói.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng hành vi lấn chiếm, sang nhượng đất liên kết của ông Hải là nghiêm trọng, thiếu gương mẫu. Vì thế phải xử nghiêm để tránh những dư luận xấu về cán bộ, đảng viên.

Yêu cầu cán bộ kê khai đất rừng

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã yêu cầu UBND huyện Ea Súp thống kê diện tích các cán bộ, đảng viên tại địa phương này đang quản lý, canh tác đất lâm nghiệp.

Trước đó, có khoảng 50% cán bộ, đảng viên đã kê khai đang quản lý, sử dụng khoảng 2.000ha đất rừng, phần lớn diện tích này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

"Sau khi Ea Súp có báo cáo, đề xuất hướng xử lý, tỉnh sẽ yêu cầu cán bộ, đảng viên toàn tỉnh thống kê việc quản lý, sử dụng đất rừng" - ông Y Giang nói.

Theo TTO

Các tin cũ hơn