Sáng 5/3, Đoàn tàu Hải quân Mỹ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, vào đến Vịnh Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 5 ngày.
PV có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) về chuyến thăm này.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng). |
Việc tàu sân bay Mỹ vào Đà Nẵng hôm nay được cho là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ sau năm 1975. Ông đánh giá sự kiện này như thế nào?
Năm 1965 tàu Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, gây chiến tranh xâm lược kéo dài và sau đó Mỹ còn bao vây, cấm vận Việt Nam cho đến năm 1995 hai nước mới bình thường hoá quan hệ.
Chuyến thăm lần này của Mỹ là chuyến đầu tiên của tàu sân bay nhưng không phải chuyến đầu tiên của Hải quân Mỹ. Tháng 11/2003, tàu Mỹ lần đầu tiên thăm Việt Nam sau năm 1975 và từ đó đến nay duy trì đều đặn ít nhất mỗi năm một chuyến tàu Hải quân thăm ta.
Bối cảnh của chuyến thăm là quan hệ hai nước đã có bước tiến lịch sử khi nâng lên đối tác toàn diện vào năm 2013, và trong hai năm liên tục (2016 - 2017), hai Tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam. Tàu Mỹ đến lần này thể hiện mong muốn tăng cường hòa bình, ổn định và cam kết về an ninh khu vực. Vì vậy lính thủy Mỹ sẽ được người Việt Nam đón tiếp khi họ đặt chân lên thành phố Đà Nẵng; người dân Việt Nam cũng sẽ bước chân lên tàu sân bay Mỹ.
Nhìn lại cả quá trình như trên, theo tôi, bên cạnh đà tăng trưởng trong quan hệ thương mại, các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA), giao lưu các quân chủng, đào tạo… thì chuyến thăm lần này của tàu sân bay Mỹ là một bước chuyển mạnh mẽ, một biểu hiện sinh động trong quan hệ của hai cựu thù mà ngày nay là đối tác toàn diện.
"Mỹ không quay lưng với ASEAN"
Theo ông, mục đích Mỹ đưa tàu sân bay hiện diện ở Đà Nẵng là gì?
Tàu sân bay USS Carl Vinson đã di chuyển trên Biển Đông, ghé Philippines trước khi tới thăm Đà Nẵng. Sự hiện diện của tàu sân bay trong khu vực và đặc biệt tại Đà Nẵng thể hiện tính liên tục trong chiến lược mà Tổng thống Mỹ đã công bố tại thành phố này tháng 11/2017 nhân Hội nghị cấp cao APEC, đó là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trên bản đồ, khu vực Đông Nam Á và biển Đông là nơi kết nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, do vậy có vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ nêu trên.
Xét dưới góc độ quan hệ giữa Mỹ với ASEAN, trong cuộc bầu cử vào Nhà Trắng 2016, giới quan sát dự đoán nếu trúng cử thì Tổng thống Donald Trump sẽ ít dành quan tâm đến khu vực này, trái với chiến lược tái cân bằng của chính quyền ông Obama. Nhưng các động thái thực tế cho thấy Mỹ không quay lưng với ASEAN, mà liên tục tăng cường quan hệ đã có và làm sâu sắc hơn.
Đà Nẵng cũng nằm không xa căn cứ Subic của Philippines mà tàu sân bay Mỹ vừa tới thăm. Điều này dễ gợi cho người ta liên tưởng về sự hiện diện có độ phủ ngày càng dày hơn của Mỹ ở Biển Đông, với ý nghĩa là mở rộng thêm vị trí dừng chân của hải quân, của tàu sân bay tại các nước trong khu vực.
ASEAN là nơi từng diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc trong thời chiến tranh lạnh; khi người Mỹ tăng cường sự hiện diện ở đây thì giới quan sát cho rằng các nước lớn đã, đang và sẽ "cọ xát" với các mức độ khác nhau. Người Mỹ đã đi một bước bằng tàu sân bay của mình, họ hiện diện và thông qua đó cũng là "phép thử" cho các bên.
Ý nghĩa của chuyến thăm trong quan hệ song phương thì sao, thưa ông?
Đầu năm nay Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã đón chính thức người đồng cấp Mỹ tại Hà Nội. Bên cạnh nội dung khác, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã trình lãnh đạo cấp cao phê duyệt để tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng. Như vậy đây là một sự kiện trong bối cảnh chung hai nước đang có những hoạt động góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy của người dân và quân đội, thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương ngày càng phát triển vì hòa bình và thịnh vượng của mỗi bên cũng như cả khu vực.
Tôi cho rằng sau sự kiện này, đối thoại quốc phòng Việt - Mỹ sẽ được mở rộng. Tháng 5/2016, khi thăm Việt Nam, Tổng thống Obama nói rằng Mỹ xoá bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương; bây giờ tùy thuộc vào sự cân nhắc của mỗi bên, nhưng các động thái tiếp theo nếu có sẽ thuận lợi hơn.
Có một điều khẳng định là chính sách quốc phòng của Việt Nam không thay đổi: Không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, và không dựa vào nước này để chống nước kia. Chúng ta cải thiện, nâng cấp quan hệ không riêng với nước nào và khi cải thiện quan hệ với nước này cũng là cơ hội cải thiện quan hệ với các nước khác.
Thử nhìn lại một vài sự kiện. Tháng 8/2010, Việt Nam và Mỹ tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng lần đầu tiên, ba tháng sau, tháng 11/2010, Việt Nam và Trung Quốc cũng tổ chức Đối thoại quốc phòng và an ninh chiến lược lần đầu tiên. Ngày 23/4/2012, tàu huấn luyện của Hải quân Trung Quốc cập cảng TP.HCM. Cùng ngày, 3 tàu chiến của Hải quân Mỹ cập cảng Đà Nẵng để thực hiện hoạt động trao đổi, thăm xã giao hải quân.
Tháng 10/2016, tàu chiến Mỹ lần đầu tiên cập cảng quốc tế Cam Ranh; cùng tháng đó 3 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc cũng lần đầu tiên cập cảng quốc tế Cam Ranh...
Từ logic của các sự kiện trên, có thể dự đoán quan hệ đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam và các nước lớn sẽ ngày càng nhộn nhịp hơn trên cơ sở nguyên tắc độc lập, tự chủ nhất quán của ta.
Hiện ngoài Mỹ ra thì chưa có nước nào đặt vấn đề cho tàu sân bay của họ đến Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu họ đặt vấn đề, Việt Nam sẽ xem xét từng trường hợp, phù hợp với khoảng thời gian, bối cảnh, địa điểm cụ thể. Chúng ta thực hiện chính sách ngoại giao rộng mở, hội nhập với tất cả các nước, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, không đóng cửa với ai. Tất nhiên, có những nơi mà các nước vào định kỳ mỗi năm một lần, nhưng cũng có địa điểm không thể vào được.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. |
"Chiến lược phòng thủ, không cần đến tàu sân bay"
Theo ông, các nước trong khu vực và quốc tế nói chung quan tâm đến sự kiện này ra sao?
Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ ở trong khu vực nhưng đã cho phép tàu sân bay Mỹ ghé thăm. Qua đó, tôi nghĩ rằng bạn bè quốc tế sẽ có bên quan tâm, chia sẻ với Việt Nam, nhưng về tâm lý thông thường cũng sẽ có bạn sốt sắng, sợ mình không được Mỹ coi trọng bằng Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới các quan hệ kinh tế, giao lưu văn hóa, quốc phòng, an ninh… Nhưng đứng về toàn cục của khu vực, tôi cho rằng nét chung là ASEAN sẽ đón nhận sự kiện này, bởi qua đó khẳng định thêm vai trò trung tâm của ASEAN trong cơ chế an ninh khu vực.
Từ góc độ phân tích chính sách, tôi cũng cho rằng với các nước quan tâm đến sự kiện sẽ hiểu chính sách quốc phòng nhất quán của Việt Nam, sẽ hiểu rằng Việt Nam với trải nghiệm từ lịch sử không dại dột đi với nước lớn này để chống nước lớn khác. Từ đó, họ sẽ nhìn thấy đây như là một sự kiện đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực.
Nhiều quốc gia biển trên thế giới đã và đang nỗ lực sở hữu tàu sân bay. Tàu sân bay có vai trò như thế nào về quốc phòng?
Hiện chỉ các cường quốc quân sự thế giới, có khả năng và tham vọng làm chủ các đại dương mới trang bị tàu sân bay cho Hải quân như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á không nước nào có tàu sân bay. Chỉ có Thái Lan sử dụng đến tàu chở trực thăng (Porte hélicoptere, chứ không dùng đến tàu sân bay - porte-avion) phục vụ bảo vệ vùng biển là chính.
Tôi chưa nghĩ và không nghĩ là Việt Nam cần đến tàu sân bay để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình. Vì chiến lược quốc phòng Việt Nam là phòng thủ; không yêu cầu trang bị lớn, mang vũ khí tiến công như tàu sân bay. Chỉ cường quốc quân sự muốn tiến công, làm chủ trên biển mới cần đến tàu sân bay.
Hơn nữa diện tích biển Việt Nam chỉ một triệu km2, một tàu sân bay của Mỹ có thể đi mấy đại dương, nếu Việt Nam dùng tàu sân bay thì quá lãng phí so với nhiệm vụ của mình. Chúng ta cũng chưa có khả năng để nuôi tàu sân bay. Hàng ngày, phải duy trì một lực lượng hải quân 5.000 người, kể cả các tàu phụ trợ là rất tốn kém, chưa kể công tác duy tu, bảo dưỡng tàu. Trong khi mấy chục năm sau lại phải thay tàu mới... Tàu cũng không chạy bằng diesel mà chạy bằng năng lượng hạt nhân - nguồn năng lượng chúng ta chưa làm chủ được.
Chiến lược quân sự của ta vẫn là phòng thủ, bảo vệ đất nước của mình, nên không cần phải "đao to búa lớn".Tất nhiên tăng cường vũ khí trang bị thì nhân dân yên tâm hơn, nhưng không phải cứ tăng vũ khí trang bị thì mình chiến thắng, mà quan trọng hơn cả là con người sử dụng vũ khí đó có trung thành với Tổ quốc không; có vận dụng được và sáng tạo nghệ thuật tác chiến trong hoàn cảnh mới; có làm chủ vũ khí, trang bị và có dám chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình hay không.
Theo VNE