Kỳ lân Chợ Lớn: Lân phá trận

Thứ ba, 29/05/2018, 10:05
Màn kết của buổi diễn sẽ là 'trận pháp' mà đội lân phải hóa giải. Phá trận thành công mới nhận được quà thưởng, đồng thời lò lân ấy càng tăng uy tín trong nghề.

Bước nhảy của lân khi lên mai hoa thung

Múa lân Chợ Lớn có hai dòng: hiện đại và truyền thống. Lân hiện đại nay nở rộ, có tiền là có thể mở đoàn, khi đi diễn thường tự bày “trận pháp” và tự hóa giải. Lân truyền thống, vẫn còn kỷ luật, khuôn phép riêng trong việc chọn vận động viên, bài múa, các chiêu thức tuyệt kỹ, đều là sự đào luyện công phu.

Người Hoa đa phần đều am hiểu nghệ thuật múa lân, nên khi mời lân đến diễn sẽ bày ra những trận pháp thử thách mà đoàn không hề biết trước. Phần thưởng càng lớn, thử thách càng khó. Việc hóa giải trận pháp giành tiền thưởng bao giờ cũng là những cuộc đấu trí lực căng thẳng.

Tuyệt kỹ nghề lân

Một kỹ thuật độc đáo mà đoàn lân nào cũng phải rèn luyện thuần thục đó là bài Cao không hái lộc. Ngày trước để thực hiện bài diễn này, võ sinh phải triển khai động tác “trồng La Hán” (trồng người) để hái được lộc gia chủ treo trên cao ngay cổng nhà. Nhiều gia chủ treo cao quá tầm, thậm chí treo cả lên dây điện gây khó cho đoàn, do vậy bài diễn này được cải tiến thành “trúc thanh”, vận dụng sự uyển chuyển của cây tre để người múa lân có thể tiếp cận những “lộc” ở độ cao 13 - 15m.

Tôi theo chân cao thủ leo “trúc thanh” hàng đầu VN là Lưu Hoán Phi của lò Nhơn Nghĩa Đường đến buổi diễn mừng khai trương. Sau những bài diễn phổ thông với Lân Hí Địa, Long Lân Tương Hội, đỉnh điểm của buổi diễn là phần hái “lộc” phải cần đến “trúc thanh”. “Lộc” hôm ấy cao ngang đỉnh cột điện chừng 13m, cả đoàn xúm vào giữ thân cây tre trụ thẳng để người múa lân thẳng tiến lên ngọn. Khi đã yên vị trên đỉnh cọc tre đường kính chưa đầy 10cm, nhịp trống càng tưng bừng hơn, lân tiếp tục diễn các tư thế làm thót tim người xem như “câu cước” (đứng vuông góc cây tre, thân hình song song mặt đất), “tĩnh trụ” (úp bụng vào cọc tre), rồi “vũ quá thiên cầu” (úp bụng xoay vòng thân người trên cọc tre)... khiến ngọn tre dao động và rung lắc dữ dội, nhiều người lấy tay che mặt vì quá sợ hãi. Cũng đúng thôi vì trong múa lân đây là bài diễn khó và nguy hiểm nhất, đã từng có người tử nạn.

'Tiết mục độc đáo khác là bài Lân lên mai hoa thung, thể hiện hình tượng lân độc hành vượt núi non trùng điệp (là những trụ sắt xếp liền kề cao thấp khác nhau tùy công phu người biểu diễn). Để diễn được trên giàn thung thuần thục, chí ít cũng mất hai năm khổ luyện. Cột lên thung càng cao (kỷ lục hiện là 1,7 m), khoảng cách giữa hai cọc thung càng xa (kỷ lục là 3 m) càng chứng tỏ đẳng cấp của đoàn lân và người biểu diễn.

Lân lên mai hoa thung là tiết mục đòi hỏi độ khó và tính nghệ thuật cao, sự phối hợp giữa hai người cùng nhịp trống phải thật ăn ý và chính xác, chỉ sơ sểnh nhỏ là rớt khỏi giàn thung. Người có đủ kỹ năng lên giàn thung hoặc leo “trúc thanh” ở làng lân cũng như các siêu sao bóng đá, lò lân thiếu họ như mất công phu hơn nửa.

Trận pháp trong thế giới Kỳ Lân

Hai trận pháp phổ thông trong nghệ thuật múa lân là Địa bửu (trận pháp dưới mặt đất) và Thiên tài (trận pháp trên không trung).

Lân hiện đại ngày nay thích trận pháp Thiên tài hơn, vì dễ dàng biến tấu tùy theo năng khiếu và tài ứng biến của người diễn. Người xem cũng thích các trận pháp Thiên tài bởi khi lân diễn trên cao (Lân lên mai hoa thung, Lân hái lộc), mọi người đều dễ dàng quan sát. Yếu tố nguy hiểm, kịch tính được người diễn tạo ra dễ gây hiệu ứng cho người xem.

Trong khi đó, trận pháp Địa bửu phải tuân theo những nguyên tắc, bộ pháp nhất định, thường dành cho dân trong nghề quan sát lẫn nhau để phân tài cao thấp. Các trận pháp Địa bửu không gây nguy hiểm nhưng đòi hỏi công phu luyện tập nhuần nhuyễn và thâm niên trong nghề.

Võ sinh Huỳnh Gia Bửu thuộc lò lân Thắng Nghĩa Đường chia sẻ: “Nhiều gia chủ mời cùng lúc hai đoàn lân đến múa, ngoài yếu tố đem lại sự vui nhộn, đằng sau đó luôn là cuộc cạnh tranh ngầm. Gia chủ thường bày trận để hai đoàn cùng phá, nếu lân nào phá trước nghiễm nhiên giành uy tín hơn, được người xem nể trọng”.

Một trong những trận pháp mà giới múa lân vùng Chợ Lớn dù thâm niên cũng rất ngại là Thiên la Địa võng”. Ở trận pháp này, gia chủ sẽ chuẩn bị một lớp lưới kẽm gai, dùng cọng chỉ đỏ thật dài một đầu cột đồng xu, đầu còn lại cột vào lớp lưới gai và quấn chỉ lắt léo trên lớp lưới kẽm được đặt thấp. Nhiệm vụ của lân phải khom người lạc vào trận pháp đó, dùng bộ tấn chùng, kết hợp các động tác uyển chuyển để từng bước tháo dần đồng tiền xu ra khỏi lưới kẽm gai mà cọng chỉ không bị đứt.

Trên lưng lân là kẽm gai nhọn, lại không ngửa được mặt lên vì lưới thấp, càng đứng lâu càng mỏi, nhưng trụ bộ vẫn phải vững vàng, vừa gỡ đồng xu vừa tạo các động tác múa ăn ý với nhịp trống. Khi bộ mã thấp múa lân rất khó, nên đây chính là thử thách cam go nhất cho các võ sinh khi tham gia phá trận này.

Trận pháp khó nhằn thứ hai là Thanh Long - Bạch Hổ. Một con cá trê (tượng trưng cho Thanh Long) và một con cua (tượng trưng cho Bạch Hổ) được bỏ chung vào thùng gỗ, đổ nước đầy, bỏ dưới đáy ba đồng xu, nhiệm vụ của lân bằng mọi cách gắp ra ba đồng xu ấy.

Có gia chủ còn chơi nghiệt hơn là đổ mực tàu vào chậu nước, nhìn mặt nước đen thui, thò tay vào khoắng nhẹ thì bị cá trê đánh, nặng hơn thì càng cua kẹp, dính đòn nào cũng đau điếng. Những trận pháp này muốn phá được đều đòi hỏi mưu trí và công phu của người múa lân.

Một trận pháp vui nhộn khác có kết hợp thi triển võ thuật là Độc xà cản lộ. Trận pháp gồm một cây côn dài tượng trưng cho thân rắn, 2 cây song tô (còn gọi là tử mẫu đao) tượng trưng mang rắn, hai trái quýt tượng trưng cho cặp mắt. Cách phá trận này khác với múa lân thông thường, đầu tiên con lân sẽ vào ăn hai trái quýt, ý để làm đui mắt rắn, sau đó hai vận động viên thoát khỏi bộ trang phục lân, cầm trường côn và song tô giao đấu quyết liệt cho đến khi trận phá xong, hai võ sinh nhập lại mình lân và tiếp tục hành trình.

Những tuyệt kỹ trong nghề cùng các thế trận vẫn được các lò lân khu Chợ Lớn bảo tồn và phát triển, để nghệ thuật múa lân từ khi du nhập vào VN cho đến nay vẫn luôn được xem là môn nghệ thuật đỉnh cao, đậm tính truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hoa Chợ Lớn.

Vươn ra thế giới

Tứ quý lân

Từ thập niên 1990, đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường đã biểu diễn, du đấu ở nước ngoài. Năm 2000, đoàn giành được giải nhì Cúp Thái Hoàng trong cuộc đấu múa lân quốc tế tại Thái Lan. Liên tiếp những năm sau đó, lân VN của Nhơn Nghĩa Đường luôn được xếp trong ba đội dẫn đầu về múa lân thế giới.

Năm 2008, tại cuộc thi Lân Sư Rồng quốc tế hội tụ đủ mặt anh tài trong làng, đoàn lân VN Nhơn Nghĩa Đường với bài Vượt Trường Sơn dũng mãnh hái linh chi xếp thứ ba toàn đoàn (sau Malaysia và Singapore).
Võ sư Lưu Kiếm Xương, Trưởng đoàn Nhơn Nghĩa Đường, cho biết: “Lân Malaysia có kỹ thuật nhảy múa điêu luyện, Trung Quốc thiên về cảm xúc. Còn múa lân VN hòa trộn kỹ thuật và cảm xúc thể hiện qua nhịp trống, bài nhảy. Hiện lân VN đủ trình độ so kè với những quốc gia, lãnh thổ mạnh về lân của thế giới như: Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Malaysia, Singapore”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn