|
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un |
Chính quyền Mỹ ngày 27/5 thông báo các chuyên gia về ngoại giao và kỹ thuật của Mỹ đã có chuyến đi hiếm hoi tới Triều Tiên để gặp những người đồng cấp nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore. Quan chức dẫn đầu phái đoàn Mỹ là cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim. Ngoài Đại sứ Kim, Allison Hooker, quan chức Nhà Trắng phụ trách vẫn đề Hàn - Triều, cũng có mặt trong phái đoàn Mỹ tới Triều Tiên lần này.
Cả Tổng thống Donald Trump và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đều xác nhận về chuyến đi của đoàn quan chức Nhà Trắng tới Triều Tiên, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào “tiềm lực mạnh mẽ” của Bình Nhưỡng. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng phát biểu trước báo giới rằng “mọi việc đang diễn ra thuận lợi” và Washington đang “chuẩn bị tốt” cho hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên.
Song song với chuyến đi của phái đoàn Đại sứ Sung Kim tới Triều Tiên, một phái đoàn khác của Mỹ do ông Joe Hagin, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng, dẫn đầu đã tới Singapore để chuẩn bị công tác hậu cần và an ninh cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Một loạt câu hỏi đã được đặt ra cho phái đoàn của Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng khi đặt chân tới Singapore như: các cuộc họp chuẩn bị sẽ diễn ra khi nào, mức độ công khai với báo chí tới đâu, quan chức nào sẽ tham gia vào bàn đàm phán và các vấn đề an ninh sẽ được giải quyết ra sao.
Theo Yonhap, nếu chuyến đi của các phái đoàn Mỹ tới Triều Tiên và Singapore diễn ra suôn sẻ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có thể sẽ gặp ông Kim Yong-chol, quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, để “chốt” các vấn đề cuối cùng trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chính thức diễn ra. Việc các chuyến đi tới Triều Tiên và Singapore diễn ra cùng một lúc là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực tăng cường của cả chính quyền Trump và Kim Jong-un nhằm hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi hội nghị thượng đỉnh chính thức diễn ra.
Thay đổi chóng vánh
|
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại khu phi quân sự liên Triều hôm 26/5 |
Để chuẩn bị cho cuộc gặp quan trọng chưa từng có tiền lệ giữa lãnh đạo hai quốc gia, các cuộc đàm phán ngoại giao thông thường sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã cắt ngắn giai đoạn từ hồi tháng 3 khi ông bất ngờ tuyên bố chấp nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Sự thay đổi chóng vánh của Tổng thống Trump chỉ trong vài ngày gần đây đã đẩy các quan chức Mỹ vào trạng thái hối hả chạy theo ông chủ Nhà Trắng. Ngày 24/5 ông Trump tuyên bố hủy kế hoạch thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, viện dẫn lý do là những động thái “thù địch” và “sự giận dữ” gần đây của Triều Tiên. Nhưng chỉ một ngày sau đó, ông Trump lại bất ngờ thông báo hội nghị có thể vẫn diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore theo kế hoạch ban đầu.
Chỉ còn khoảng 2 tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh chính thức diễn ra, lịch trình của cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho đến nay vẫn rất mơ hồ. Trong khi Tổng thống Trump thể hiện sự nôn nóng trước cuộc gặp lịch sử vào ngày 12/6, giới chức hai nước cũng vội vã vào cuộc để đàm phán xem có thể hoàn tất các khâu chuẩn bị cần thiết trong khoảng thời gian ngắn như vậy không. Các nhà đàm phán kỳ cựu hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ và Triều Tiên có thể hoàn thiện đủ công tác chuẩn bị để cuộc gặp diễn ra theo đúng kế hoạch hay không.
“Tổng thống nói rằng ông sẽ không đi (dự họp) chừng nào chưa đạt được một thỏa thuận quan trọng. Câu hỏi đặt ra là liệu có đủ thời gian để đạt được thỏa thuận quan trọng đó không. Hiện tại, hội nghị thượng đỉnh vẫn đang trong trạng thái bấp bênh, phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có đạt được tiến triển trong các vấn đề hay không”, Joseph Y. Yun, người từng công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong vai trò nhà đàm phán với Triều Tiên, cho biết.
Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về triển vọng diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều khi các bên chỉ còn 2 tuần để chuẩn bị. Các nghị sĩ cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không bao giờ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đã tốn công phát triển trong suốt hàng chục năm qua. Nếu vấn đề phi hạt nhân hóa không được Bình Nhưỡng chấp thuận, Tổng thống Trump khó có thể bước vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Vai trò các nhà đàm phán
|
Đại sứ Sung Kim |
Trọng trách bây giờ được đặt lên vai của các nhà đàm phán Mỹ và Triều Tiên thông qua các cuộc thảo luận ở cấp thấp giữa các phái đoàn đại diện của hai nước. Sự thành công hay thất bại của các cuộc đàm phán này sẽ quyết định tính khả thi của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Giới chức Mỹ nói rằng họ không ảo tưởng về việc phái đoàn quan chức Mỹ đang có mặt tại Triều Tiên có thể đàm phán với các đại diện của nước chủ nhà về việc bắt đầu từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân, sinh học và tên lửa của Bình Nhưỡng. Thay vào đó, phái đoàn Mỹ nên tập trung đàm phán về lịch trình cũng như các thông tin mà ông Trump và ông Kim có thể nhất trí và đây chính là nền tảng cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Chỉ cần làm tốt điều này cũng đã được xem là thành công lớn của Mỹ vì Triều Tiên cho đến nay vẫn trung thành với lập trường rằng, tiến trình phi hạt nhân hóa phải diễn ra từ từ theo từng bước, chứ không thể nhanh chóng và toàn bộ như yêu cầu của Mỹ.
Trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, phái đoàn Mỹ cũng cần đề xuất một số thay đổi và nhượng bộ, bao gồm việc ký kết hiệp ước hòa bình chấm dứt hoàn toàn chiến tranh Triều Tiên hay sẵn sàng bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng và loại bỏ nguy cơ lật đổ chính quyền Triều Tiên.
Trong các chuyến đi tới Triều Tiên và Singapore lần này, Mỹ đã lựa chọn các quan chức là những nhà ngoại giao và nhà đàm phán kỳ cựu, có hàng chục năm kinh nghiệm trong xử lý mối quan hệ với Triều Tiên. Ông Joe Hagin là bạn thân của Tổng thống George W. Bush còn ông Sung Kim cũng từng được ông Bush chỉ định làm trưởng đoàn đàm phán Mỹ với Triều Tiên.
Ông Sung Kim, hiện là Đại sứ Mỹ tại Philippinnes, từng là người góp tiếng nói chủ chốt trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Bush. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông cũng đóng vai trò là nhà đàm phán hàng đầu trong các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và là đại diện đặc biệt phụ trách Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Có thể nói thành thạo tiếng Hàn và tiếng Anh, Đại sứ Kim được xem là quan chức giỏi nhất trong các vấn đề về Triều Tiên trong chính quyền Mỹ hiện thời.
“Đó là một nhóm tốt. Họ là một nhóm chuyên gia và một nhóm kỹ thuật. Họ nắm được vấn đề. Họ biết cần phải làm những gì”, ông Yun nhận định.
Theo Dân Trí