Sự leo thang của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh Biển Đông

Thứ hai, 28/05/2018, 09:02
Nhà nghiên cứu chiến lược quốc phòng cho rằng, Biển Đông đang trở thành trọng tâm của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn.

Đại tá Vũ Văn Khanh, nguyên Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) trả lời phỏng vấn của VnExpress về việc Trung Quốc leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Đại tá Vũ Văn Khanh.

Gần đây, Trung Quốc cho máy bay ném bom diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về các động thái này?

Trước hết phải khẳng định, những hành động nêu trên của Trung Quốc là bước leo thang mới trong chiến lược nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” với âm mưu lâu dài là độc quyền kiểm soát Biển Đông của họ.

Các hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN; đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Hành động của Trung Quốc còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực...

Các động thái đó của Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế biển của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Hiện 28 tỉnh, thành nước ta có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo, là nơi nuôi sống hàng triệu người.

Từ bao đời nay, ngư dân Việt Nam đã ý thức được các vùng biển truyền thống, các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam do cha ông để lại và ra sức giữ gìn, bảo vệ những vùng biển và đảo đó.

Hàng triệu người Việt Nam đang lao động, sản xuất hòa bình trên Biển Đông, liên quan đến ngành vận tải biển, dịch vụ hàng hải, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, khai thác và chế biến dầu khí, du lịch biển gắn với kinh tế đảo.

Do vậy, việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động trái phép trên Biển Đông, trong đó có việc bố trí các khí tài quân sự trên các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam, nhằm phô trương sức mạnh và răn đe các nước khác, có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế trên biển của Việt Nam, vi phạm quy định của DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết.

Trung Quốc vì lợi ích riêng bất chấp lợi ích chung

Không chỉ gia tăng hoạt động quân sự, tàu cá Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của các lực lượng chuyên trách đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Hành động nói trên của Trung Quốc cảnh báo một xu hướng rất đáng lo ngại, đó là nước lớn sử dụng sức mạnh để gây sức ép, đe dọa các nước khác, vi phạm luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc đưa hàng chục tàu cá vào sâu vùng biển của Việt Nam, cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý dưới sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách đã vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nguy hiểm hơn, hành động đó đã tạo ra và nuôi dưỡng cách hành xử đơn phương vì lợi ích riêng, bất chấp lợi ích chung của khu vực, của cộng đồng quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Sự leo thang của Trung Quốc làm cho tình hình Biển Đông càng nóng thêm, không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, mà còn tác động sâu sắc đến hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển an ninh hàng hải, hàng không - là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cần hỗ trợ gì cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân, trong đó có Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho ngư dân đóng mới tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, có chính sách về bảo hiểm, thuế và các chính sách khác giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, yên tâm bám biển.

Chính phủ cũng cần khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân trong việc cung cấp nước, xăng dầu, các vật dụng cần thiết, thu mua hải sản mà ngư dân đánh bắt được, hướng dẫn ngư dân để đảm bảo sản lượng và chất lượng thủy sản đánh bắt...

Lực lượng hải quân và cảnh sát biển cũng cần tiếp tục và tăng cường hoạt động tuần tra, làm chỗ dựa cho ngư dân trên biển, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

"Biển Đông không phải chuyện riêng của bất cứ nước nào"

Mỹ phản đối Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông, nhiều nước khác trên thế giới cũng bày tỏ sự quan tâm đến tự do hàng hải ở khu vực này. Ý kiến của ông thế nào?

Trước hết, cần khẳng định rằng, Biển Đông không phải chuyện riêng của bất cứ nước nào. Biển Đông liên quan trực tiếp đến lợi ích của 9 quốc gia ven biển và một vùng lãnh thổ trong khu vực về kinh tế, xã hội và môi trường.

Về địa chiến lược, Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á; có 5 trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông. Do đó, Biển Đông liên quan đến tất cả các nước có biển và không có biển, các nước trong khu vực và ngoài khu vực.

Xuất phát từ vị trí địa chiến lược và các yếu tố về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, Đông Nam Á ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống khu vực và quốc tế, là nơi các trung tâm quyền lực lớn về kinh tế - chính trị thế giới và các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng.

Sự can dự của các nước lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, ở khu vực mang tính toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự. Trong quá trình can dự, các nước lớn đều tìm cách tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước trong khu vực, nhất là các nước đang phát triển, các nước có vị trí địa chiến lược quan trọng nhằm hình thành các quan hệ đồng minh, đối tác chiến lược phục vụ cho những toan tính của họ. Biển Đông đã và đang trở thành trọng tâm của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn ở khu vực.

Vậy Việt Nam có vai trò như thế nào trong bối cảnh nêu trên, thưa ông?

Do điều kiện địa lý và lịch sử, Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ về quốc phòng và an ninh với khu vực. Chúng ta coi việc mở rộng và tăng cường hợp tác về lĩnh vực này không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn là chủ trương lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Việc tăng cường hợp tác của Việt Nam với các nước được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và cùng có lợi. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước cũng được xây dựng theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; theo chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thực hiện chính sách quốc phòng, an ninh độc lập, tự chủ, Việt Nam chủ trương không liên minh quân sự; không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đi với nước này để chống nước kia.

Trong thời gian tới, Việt Nam phải tăng cường năng lực trên Biển Đông như thế nào để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời, do đó chúng ta kiên quyết không để cho bất kỳ quốc gia, thế lực nào xâm phạm chủ quyền đó. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cả về tiềm lực, thế trận và lực lượng quốc phòng.

Nhà nước đầu tư xây dựng lực lượng quốc phòng trên biển đảo vững mạnh, bao gồm: Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Không quân, các quân khu ven biển, lực lượng dân quân, tự vệ biển...Trong thời bình,  các lực lượng vũ trang phải được chăm lo xây dựng để đủ sức làm nòng cốt trong nhiệm vụ phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự xã hội trên biển đảo.

Ngoài ra, chúng ta cần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển đảo, bảo đảm gắn kết từ khâu quy hoạch, kế hoạch đến triển khai xây dựng; kết hợp hoạt động khai thác hải sản, du lịch, vận tải biển với tuần tiễu, bảo vệ chủ quyền nhằm tăng cường khả năng quản lí, làm chủ vùng biển, đối phó kịp thời với các tình huống xảy ra.

Cuối cùng, Chính phủ phải xây dựng và thực hiện các phương án xử lý tình huống cụ thể để chủ động ngăn ngừa, đối phó, không để các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thành xung đột vũ trang và chiến tranh.

Những tình huống quốc phòng, an ninh trên biển cần được xử lý bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; phương án ứng phó với các tình huống trên Biển Đông cũng phải được xây dựng phù hợp với tính chất và đặc điểm riêng của từng mức độ xâm hại đến các lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích