Đoàn giám sát chỉ rõ tập đoàn Dầu khí và nhiều ông lớn nhà nước còn tham nhũng, lãng phí. Ảnh IT
7 tỷ USD đầu tư nước ngoài, nhiều dự án báo lỗ
Ngày 28/5, đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016.
Theo đoàn giám sát, hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn này chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm, tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011.
Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%); hiệu quả đầu tư của khối DNNN cũng đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI, hệ số ICOR của khối DNNN trong giai đoạn 2011-2016 cao hơn nhiều so với hai khu vực doanh nghiệp còn lại (năm 2016 cao gấp 1,58 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước, 1,86 lần so với doanh nghiệp FDI).
Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận của toàn khối DNNN (100% vốn nhà nước) giảm trong giai đoạn 2011-2016. Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước, như Tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản....
Ngoài ra, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Đoàn giám sát cũng chỉ ra, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, triệt để nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. Trong quản lý, sử dụng đất của các DNNN, còn trường hợp chưa kê khai đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, để đất bị lấn, chiếm.
Việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn chưa được xử lý trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như TĐ Xăng dầu, TCT Hàng không, qua đó tìm được nguồn hỗ trợ không chỉ về tài chính mà còn về quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm chuyên môn, phát triển thị trường...
Một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra, như Bộ Xây dựng chậm cổ phần hóa TCT Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị, TCT Sông Đà, TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm cổ phần hóa TCT Lương thực miền Nam...
Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều TCT tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.
Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh. Một số doanh nghiệp thay đổi mô hình hoạt động nhưng hiệu quả kinh tế và quy mô hoạt động chưa được cải thiện đáng kể so với trước khi cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm; quy mô vốn chủ sở hữu, tổng tài sản giảm so với trước cổ phần hóa.
Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Có hiện tượng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn, chiếm; doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất từ nhiều năm về trước nhưng chưa kê khai đăng ký, chưa ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai ở địa phương.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã cổ phần hóa và báo cáo Quốc hội. Giao Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về “Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” và hàng năm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện của Quỹ này.
Đối với Chính phủ, cần nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước. Xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.
Theo Tiền Phong