|
PVTex, một trong 12 đại dự án của ngành Công Thương, lâm cảnh “đắp chiếu” triền miên vì thua lỗ cả ngàn tỷ đồng. |
77 cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập
Chiều 5/9, Ủy ban Tư pháp tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 7, cho ý kiến về vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN) và dự án Luật PCTN sửa đổi.
Báo cáo công tác PCTN năm 2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan tổ chức đơn vị, đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm. Kiểm tra cho thấy, còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Theo cơ quan thanh tra, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập đang làm việc tại các bộ: Bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Công Thương, thành phố Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai. Qua việc xác minh tài sản, thu thập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, trong đó có cả cán bộ cấp cao.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, năm 2017, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, như tỉnh Kiên Giang có 9 người, An Giang 4 người, Hậu Giang 3 người, Bộ Tài chính 2 người… Quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.
“Kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng. Tuy tạo được sự thay đổi tích cực, nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi…”, Thanh tra Chính phủ đưa ra nhận định tương tự như các năm trước, ngoại trừ năm nay có thêm cụm từ “tinh vi”.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp |
Tham nhũng có thực sự giảm?
Cho ý kiến về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Mai Bộ đánh giá, một trong những khâu yếu nhất hiện nay là việc bổ nhiệm cán bộ theo cảm tình cá nhân, nhiều người đáp ứng nhiều tiêu chí hơn nhưng cuối cùng lại không được bổ nhiệm. “Có lót tay, có chạy chức, chạy quyền rồi sau này sẽ đẻ ra tham nhũng về tài chính, kinh tế”, ông Bộ đánh giá.
Cũng theo ông Nguyễn Mai Bộ, không chống được tham nhũng không phải do “trình độ yếu kém” mà chính là do trách nhiệm, ý thức của cơ quan, của người làm công tác PCTN, điều quan trọng là có dám làm hay không? Ông Bộ dẫn dụ với việc giám sát BOT vừa qua, chưa chỉ rõ trách nhiệm của bộ, ngành nào, như vậy thì không thể ra được đáp số.
“Thế trận lòng dân của chúng ta hiện nay có vấn đề, cần phải mạnh dạn nhìn thẳng, nói thật ra”. Với “quân hùng, tướng mạnh” đi giám sát, kiểm tra, nhưng hiệu quả có hơn một phóng viên đi điều tra độc lập không? Nếu không làm tốt sẽ không mang lại hiệu quả, lại còn gây lãng phí trong PCTN”, ông Bộ nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chỉ ra tình trạng cán bộ quan chức giải thích kiểu “bán chổi đót, nuôi heo” mà có biệt phủ hàng nghìn tỷ. Theo ông Sơn, lý giải như vậy là coi thường pháp luật, coi thường nhân dân, không thể để như thế. Cũng theo ông Sơn, công luận và nhân dân đang rất cần câu trả lời, có hay không tham nhũng ở 12 đại dự án của ngành Công Thương gây thất thoát, lãng phí lớn đã chỉ ra vừa qua? Rồi câu chuyện bổ nhiệm cán bộ, có hay không tình trạng tham nhũng? BOT vừa qua có tham nhũng không?...
Sau khi nghe báo cáo về PCTN năm 2017 và các báo cáo trước đó, một câu hỏi mấu chốt được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cùng nhiều đại biểu tại phiên họp đặt ra là: Tham nhũng có thực sự giảm hay không? Các đại biểu cho rằng, đấu tranh PCTN, mục đích cao nhất là phải thu hồi được tài sản, nhưng trong nhiều năm qua, vẫn chưa tìm ra lối thoát cho việc này, hiệu quả thu hồi tài sản vẫn thấp, cần chỉ ra, có như vậy công cuộc PCTN mới đạt hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là báo cáo rất quan trọng, được trình ra Quốc hội tại kỳ họp cuối năm này. Ông Lưu cho rằng, bối cảnh năm 2017 có những điểm mới, khác so với những năm trước đây. PCTN đã thu được nhiều kết quả nổi bật hơn, rõ ràng hơn. Đáng lưu ý, nhiều vụ đại án nghiêm trọng được đưa ra xét xử, với những mức án nghiêm minh. Rồi các dự án gây thất thoát lãng phí lớn cũng được làm rõ, với tinh thần làm quyết liệt, không có vùng cấm.
Tuy nhiên theo ông Lưu, báo cáo do Thanh tra Chính phủ trình chưa phân tích toàn diện sâu sắc, chưa phản ánh thực chất vấn đề. Khi nói đến nguyên nhân tham nhũng, có cả khách quan, chủ quan, nhưng nguyên nhân chính là gì lại chưa tập trung làm rõ. Nguyên nhân chính và thực chất của vấn đề ở đây là ở khâu tổ chức thực hiện, kỷ luật kỷ cương không nghiêm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với nhận định của Chính phủ, rằng tham nhũng rất “tinh vi”, vì xuất phát từ rất nhiều mối quan hệ đan xen, phức tạp. Nếu không chỉ rõ để khắc phục, rồi năm nào cũng lặp đi lặp lại như vậy, không có gì mới cả. Do vậy cần phải tìm ra cái mới để trả lời dư luận, nhân dân, phải xác định rõ hơn địa chỉ, nơi nào, khu vực nào, lĩnh vực nào, cơ quan nào, người nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng. |
Theo Tiền Phong