|
|
Ảnh chụp vệ tinh khu thử hạt nhân của Triều Tiên trước và sau vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay. (Ảnh: 38 North ) |
New York Times dẫn phân tích của 3 chuyên gia cho trang web 38 North của Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) ngày 5/9 cho biết, khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên cuối tuần qua đã bị hư hại nặng.
Đánh giá này đưa ra dựa vào phân tích các ảnh vệ tinh được chụp ngày 4/9 tại vùng núi Mantap, gần bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều điểm sạt lở ở dãy núi có đỉnh cao hơn 1km và có hệ thống hầm ngầm chạy bên dưới.
“Những xáo trộn này nhiều và lan rộng hơn so với những gì mà chúng tôi thấy sau 5 vụ thử hạt nhân trước của Triều Tiên”, các chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia này cho biết thêm, họ không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một miệng hố xuất hiện tại núi Mantap sau vụ thử hạt nhân.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 5/9 dẫn lời một số nhà khoa học của Trung Quốc bày tỏ lo ngại về nguy cơ ngọn núi Mantap đổ sập sau vụ thử và có thể khiến phóng xạ phát tán ra môi trường.
Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan về an toàn hạt nhân của Hàn Quốc và Trung Quốc đều nói rằng chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu rò rỉ phóng xạ nào.
Triều Tiên ngày 3/9 tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch, gọi đây là một vụ thử “hoàn hảo”. Giới chuyên gia ước tính, quả bom có đương lượng lớn hơn tất cả các vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên cộng lại, và gấp khoảng 8 lần so với quả bom mà quân đội Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Theo Dân Trí