Mới đây, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần May Lê Trực bất ngờ công bố thông tin đã khởi kiện UBND quận Ba Đình tròn 1 năm, tòa thụ lý nhưng chưa có ý kiến với doanh nghiệp.
Chủ đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ công trình 8B Lê Trực giai đoạn 2, bồi thường thiệt hại cho người mua nhà và chủ đầu tư do những quyết định hành chính ban hành sai quy định gây ra trong thời gian qua.
Trao đổi với PV chiều 5/9, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng, việc chủ đầu tư khởi kiện UBND quận Ba Đình và việc phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
''Chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực khởi kiện quận Ba Đình là chuyện khác, đúng hay sai là do pháp luật quyết định. Còn những sai phạm của công trình này đã được đoàn kiểm tra liên ngành nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền đã có yêu cầu phá dỡ thì vẫn tiếp tục thực hiện theo đúng quy định'', ông Hùng nhấn mạnh.
Công trình 8B Lê Trực |
Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu nhanh chóng xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, do đó, theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng thì vấn đề cần phải quan tâm ở đây là có làm được hay không.
Từng đề cập rất nhiều lần về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định, việc cắt ngọn tòa nhà và xử lý phần giật cấp không khó, hoàn toàn có thể xử lý được.
''Về nguyên tắc, bất cứ một công ty nào đảm nhiệm việc thiết kế tòa thì phải đưa ra được giải pháp an toàn để tháo dỡ và sửa chữa. Những khó khăn mà đơn vị thiết kế phá dỡ đưa ra như tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà, vẫn có thể khắc phục được'', ông Hùng nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia xây dựng, chủ đầu tư cần tuân thủ theo pháp luật, đã là quyết định của Hà Nội thì phải chấp nhận. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng tìm ra phương án tháo dỡ an toàn có giải pháp kết cấu, chống đỡ đảm bảo để đơn vị phá dỡ có thể tiến hành công việc của mình.
Đồng thuận với lo ngại, những sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực được chỉ rõ, song vẫn chưa thể xử lý dứt điểm sẽ tạo thành tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến trật tự xây dựng của thành phố, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh, chủ đầu tư của tòa nhà đã làm sai, do đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc xử lý phần sai phạm.
Trong trường hợp chủ đầu tư không xử lý dứt điểm phần sai phạm thì Hà Nội có quyền xử lý nghiêm minh theo quy định.
Cùng bàn luận về việc xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định, việc phá dỡ một tòa nhà từ cao xuống thấp không quá khó khăn.
Ông Thám cho rằng, những vấn đề phát sinh liên quan đến tòa nhà này có thể là chỉ là cái cớ để kéo dài thời gian. Từ đó, chủ đầu tư có thể thuyết phục chính quyền đồng ý để lại phần sai phạm của tòa nhà.
Do vậy, ông nhấn mạnh, không thể lấy lý do kết cấu của tòa nhà phức tạp mà không tiến hành phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực. Nếu đơn vị thiết kế hiện tại không đưa ra được phương án phá dỡ phù hợp thì cần sớm loại bỏ đơn vị này.
Sau đó, nhanh chóng đăng thông tin trên báo chí, tìm những đơn vị thiết kế có khả năng xử lý được phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực bằng hình thức đấu thầu công khai.
"Làm theo cách này, chắc chắn sẽ tìm được đơn vị có khả năng giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng", PGS.TS Nguyễn Đình Thám khẳng định.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Hà Nội phải chủ động triển khai các phương án xử lý các sai phạm về vi phạm trật tự xây dựng tại dự án đầu tư xây dựng số 8B phố Lê Trực (quận Ba Đình), khẩn trương báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Thủ tướng nêu rõ, việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B phố Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị. Vụ việc này là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật với các sai phạm của chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan. |
Theo Đất Việt