Mấy ngày qua, một số tài xế phản ánh đến báo chí về việc bị công an xã và công an phường (thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang) mời lên làm việc để trao đổi sự việc có liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Theo đại diện Công an huyện Cai Lậy, lực lượng chức năng mời lái xe lên để trao đổi tâm tư, nguyện vọng xung quanh trạm BOT Cai Lậy chứ hoàn toàn không có chuyện xử lý việc trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí.
Trao đổi với PV, LS Phạm Hoài Nam (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, trong trường hợp này cần phải nhìn nhận đầy đủ 2 vấn đề.
Ở góc độ cơ quan phát luật, theo LS Nam việc cơ quan công an mời người dân lên làm việc bắt buộc phải có giấy mời ghi rõ ràng nội dụng buổi làm việc để tài xế sắp xếp thời gian.
“Vì tài xế đi lại rất nhiều, không thể ở nhà thường xuyên nên cần phải báo trước để chuẩn bị”, LS Nam nói.
1 số lái xe trả tiền lẻ bị Công an Cai Lậy mời lên làm viêc. |
Về phía lái xe, theo LS Nam, do đây là giấy mời nên công dân có quyền đến hoặc không đến tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Trường hợp cơ quan công an Cai Lậy có giấy mời với nội dung rõ ràng và bản thân sắp xếp được thời gian thì có thể trước tiếp đến làm việc. Nếu bận công việc, lái xe có quyền từ chối hoặc khách quan hơn có thể gửi ý kiến của mình thông qua đường bưu điện để thể hiện trách nhiệm với cơ quan pháp luật.
“Dưới góc độ phát luật, luật sư thấy rằng việc trả tiền lẻ ở trạm thu phí thì không vi phạm pháp luật. Vì đây là các đồng tiền được lưu thông theo quy định của ngân hàng nhà nước và quy định pháp luật.
Nếu với những tài xế có hành vi cố tình gây khó khăn khi đưa tiền và thanh toán có chủ đích thì cơ quan nhà nước sẽ mời lên làm việc cụ thể”, LS Nam nhấn mạnh.
Về việc đại diện Công an huyện Cai Lậy giải thích mời lái xe lên làm việc để trao đổi tâm tư, nguyện vọng xung quanh trạm BOT Cai Lậy, LS Phạm Hoài Nam cũng bày tỏ nhiều băn khoăn.
Theo LS Nam, đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy, đây là quan hệ dân sự giữa trạm BOT với các tài xế lái xe, chứ không phải vấn đề hình sự.
Do đó dưới góc nhìn pháp lý, Công an Cai Lậy không phải là cơ quan giải quyết vấn đề này. Hơn nữa việc công an mời lái xe lên làm việc có thể khiến người dân lo sợ, hiểu sai mục đích của buổi gặp mặt.
“Khi có dấu hiệu về vi phạm pháp luật hay sự chống đối gây ách tắc giao thông thì mới thuộc trách nhiệm của công an. Còn vấn đề tâm tư nguyện vọng thì thuộc về những cơ quan trực tiếp như Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang.
Trong trường hợp này Bộ GTVT là một bên trong hợp đồng, chủ đầu tư phải là người đứng ra giải quyết để đảm bảo tính khách quan cũng như những vấn đề bất hợp lý.
Các bên cần phải ngồi lại với nhau để giải quyết, còn công an không phải là cơ quan hòa giải dân sự”, LS Nam nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vụ việc này, Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định với báo chí, không có nhận văn bản nào của BOT Cai Lậy đề nghị công an tỉnh xử lý tài xế đưa tiền lẻ mua phí để phản đối trạm thu phí đặt sai chỗ và giá phí cao.
Đại tá Hùng cho biết, trước khi trạm BOT Cai Lậy đi vào hoạt động thu phí, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở GTVT xây dựng kế hoạch liên ngành nhằm đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên tuyến và trạm thu phí.
“Công an tỉnh chỉ đạo Trưởng công an huyện Cai Lậy xây dựng kế hoạch để đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại trạm thu BOT, kịp thời giải quyết, xử lý tình hình an ninh trật tự nếu xảy ra sự cố”, ông Hùng nói với báo chí.
Đến thời điểm này, trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn đang xả trạm và chưa thông báo ngày thu phí trở lại.
Theo Đất Việt