|
Các tàu cá ở cảng phía bắc Đài Loan |
Nhiều tổ chức phi chính phủ và báo đài trong những năm gần đây không ngừng phản ánh tình trạng “bóc lột thuyền viên nước ngoài có hệ thống” trên các tàu cá Đài Loan, theo chuyên san The Diplomat. Cụ thể, các hiệp hội tàu cá Đài Loan cấu kết chặt chẽ với công ty môi giới để tuyển dụng thuyền viên nước ngoài, đa số từ Indonesia, Philippines và VN. Bên cạnh đó, Cơ quan Nghề cá Đài Loan hỗ trợ xăng dầu, nhu yếu phẩm và kinh phí cho các công ty đánh bắt đa phần thuộc hạng vừa và nhỏ để trả lương cho lao động nước ngoài. Tuy nhiên, công ty môi giới lợi dụng chính sách này, rút ruột tiền lương và giữ hết giấy tờ tùy thân của thuyền viên, còn chủ tàu cá thì bóc lột sức lao động.
Mới đây, Tổ chức phi chính phủ EJF vừa công bố phim tài liệu thứ 2 mang tựa đề: Bóc lột và bất chấp pháp luật: Mặt tối trên đội tàu cá Đài Loan. Phim phản ánh tình trạng bóc lột thuyền viên nước ngoài như nô lệ. Trong khi đó, nhà báo của tờ The New York Times Ian Urbina từng làm loạt phóng sự và sắp ra mắt quyển sách phản ánh tình trạng bóc lột, đánh đập và thậm chí giết chết thuyền viên trên tàu cá Đài Loan.
Tổ chức EJF dẫn lại số liệu chính thức cho thấy có khoảng 18.000 thuyền viên nước ngoài làm việc trên khoảng 1.800 tàu Đài Loan, trong đó 90% đánh bắt cá xa bờ ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, số liệu từ Tổ chức Hòa bình Xanh và Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính con số lên đến 160.000 người, theo Tổ chức nghiên cứu chính sách Center for American Progress. |
Thư ký Hiệp hội Thuyền viên di cư Nghi Lan (YCLB, Đài Loan) Allison Lee cho biết: “Trên 60% người nước ngoài bị bóc lột sức lao động, đối xử như nô lệ trên những chuyến đánh bắt xa bờ và cả khi ở đất liền. Tình trạng đánh đập thuyền viên diễn ra hằng ngày trên tàu”.
Nhiều thuyền viên nước ngoài bị đánh đập không dám tố cáo vì sợ bị trả thù và mất tiền thế chân đóng cho công ty môi giới. Thậm chí, trong trường hợp đã tố cáo, cơ quan chức năng cũng khó xử lý do hành vi đánh đập, bóc lột được thực hiện xa bờ nên thiếu chứng cứ buộc tội, theo báo cáo của YCLB và EJF. “Dù thường xuyên bị các chủ tàu đe dọa, nhưng chúng tôi nỗ lực báo cáo tất cả đơn phản ánh lên cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho thuyền viên nước ngoài”, bà Lee chia sẻ.
Vào năm 2017, chính quyền Đài Loan đã thông qua luật Tiêu chuẩn lao động, một biện pháp mới nhằm xử lý nghiêm hành vi bóc lột người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ cho rằng luật này khó được thực thi nghiêm khắc đối với tàu đánh bắt xa bờ. Liên minh các tổ chức phi chính phủ cũng đã tổ chức buổi họp báo hôm 17.5 tại TP.Đài Bắc, phản ánh tình trạng nô lệ trên tàu cá vẫn tiếp diễn nhằm gửi thông điệp đến lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Theo Thanh Niên