|
Chủ đầu tư "siêu máy bơm" áp dụng công nghệ 4.0 |
Chuyên gia là 1.0, "siêu máy bơm" là 4.0
Ngày 22.6.2018, ông Nguyễn Tăng Cường - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là Quang Trung - PV) đã có một công văn với nội dung "Chủ siêu máy bơm phản biện các chuyên gia" gửi tới các cơ quan báo chí.
Trước đó, trong một bài báo, một tiến sĩ đã cho rằng "siêu máy bơm chẳng có gì là siêu cả" và việc rác thải đổ về ngập đường cống là kết quả đương nhiên của hiện tượng “quả đấm thủy lực” chứ không phải là do sự phá hoại nào cả. Trong bài báo, vị này còn cho rằng, đây là kết quả của "sự ngu dốt về thủy động học".
Công văn của Quang Trung phản bác lại luận điểm "bơm chống ngập cho thành phố là phản khoa học, trên thế giới không có nơi nào dùng bơm để chống ngập cho thành phố".
Theo văn bản do ông Nguyễn Tăng Cường ký thì: "Các vị cứ vào mạng kiểm tra có rất nhiều các nước văn minh đã và đang dùng bơm khủng để chống ngập cho thành phố như: Jakarta, Malaysia, Singapore, Hà Lan,…".
Văn bản của ông Nguyễn Tăng Cường còn phản bác một loạt các luận điểm của các chuyên gia đưa ra trong thời gian qua về tính thiếu hiệu quả của "siêu máy bơm".
Lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp Quang Trung cho rằng: "Công thức của chuyên gia tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn và tiến sĩ Hồ Long Phi, tiến sĩ Phạm Sanh đưa ra ai cũng được học và được coi như trình độ công nghệ 1.0, còn loại bơm của chúng tôi đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đang sử dụng có hiệu quả là công nghệ 4.0".
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sâu sau cơn mưa chiều 7.5.2018 |
Trong công văn dài hơn 1.600 chữ, phía Quang Trung cũng phản biện lại 2 chuyên gia là tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) và tiến sĩ Vũ Hải (có 50 năm kinh nghiệm thoát nước). Hai chuyên gia này cho rằng "siêu máy bơm" hút mạnh sẽ gây ra vỡ ống cống và tạo ra các "hố tử thần",… thiết kế công trình không đúng tiêu chuẩn. Phía Quang Trung cho rằng họ thiết kế công trình chỉ tận dụng hệ thống cống có sẵn của thành phố để đặt hệ thống bơm và đã hoạt động được 21 lần thành công, có hiệu quả tốt, chưa chỗ nào bị vỡ cống và chưa có chỗ nào phát sinh ra "hố tử thần".
Nguyên văn văn bản viết: "Chúng ta phải nhìn vào thực tế, hố tử thần thì chưa thấy.. chỉ thấy người dân bị tai nạn do ngập không nhìn thấy đường, một số trường hợp đã bị tử vong do chui xuống ống cống".
Bên cạnh việc phản biện các chuyên gia, văn bản của phía Quang Trung còn đưa ra những "bài toán" về chống ngập để xin "cao kiến".
Công văn này dẫn số liệu của Ngân hàng thế giới cho rằng cốt nền của TP.HCM mỗi năm lún từ 1cm -3cm, trong khi nước biển dâng cao từ 1cm -3cm/năm do nhiệt độ trái đất nóng lên, do đó khoảng trên 60% diện tích đất của TP.HCM bị ảnh hưởng triều cường. Theo phía Quang Trung, lý do này khiến thành phố có gần 100 điểm ngập bị ngập do triều cường và ngập do mưa. Theo phía Quang Trung, việc các chuyên gia tư vấn cho TP.HCM nên nâng đường và thay cống lớn tại các điểm ngập trũng… "sẽ không hiệu quả và sẽ gây lãng phí tiền của nhân dân".
Cảnh ngập mỗi lúc tan tầm vẫn ám ảnh người dân khi đi qua đường Nguyễn Hữu Cảnh dù đã có siêu máy bơm |
Công văn của phía Quang Trung nêu ví dụ: "Ví dụ: Giải pháp nâng đường từ cốt nền 1,5m lên cốt nền 2m (hệ quả sau nâng đường là nhà của dân sẽ thấp hơn mặt đường từ 50cm đến 80cm, các nhà dân sẽ thành ao tạo ra sự bức xúc cho người dân do đảo lộn cuộc sống sản xuất kinh doanh của họ".
Cuối công văn do ông Nguyễn Tăng Cường ký có đoạn: "Vậy các chuyên gia có cao kiến nào để có giải pháp tốt hơn giúp cho thành phố chống ngập tại gần 100 điểm ngập của thành phố? Còn nếu không có giải pháp nào tốt hơn thì mong các chuyên gia ủng hộ chúng tôi đặt bơm để chống ngập cho thành phố như đất nước Hà Lan đang thực hiện. Nếu vị chuyên gia nào chưa hiểu về công nghệ bơm của chúng tôi thì hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi".
Theo Thanh Niên