Cựu sếp lớn dầu khí vừa bị khởi tố: Lúc đương chức cũng bị tố tham nhũng?

Thứ bảy, 23/06/2018, 09:17
Một doanh nghiệp có đơn tố cáo Vietsopetro lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực không chỉ khiến ngân sách bị thất thoát mà còn gây lãng phí rất nhiều tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng tới môi trường.

Ảnh minh hoạ

Nguồn tin của PV cho biết, một doanh nghiệp tại TP.HCM là Công ty CP Kỹ thuật Ngôi sao (SEC) vừa có đơn gửi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình tố cáo một số sai phạm trong quá trình đấu thầu gói thầu “cung cấp cụm máy nén khí cho dự án mở rộng hệ thống thu gom khí giàn Rồng - giai đoạn 2” tại Liên doanh Việt Nga Vietsopetro (VSP).

Đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 3/2018 đến nay, doanh nghiệp này gửi đơn tố cáo và yêu cầu huỷ bỏ gói thầu trên với lý do “tránh thất thoát đáng kể cho nhà nước”.

Trước đó, hôm 6/3/2018, SEC gửi câu văn yêu cầu Vietsopetro (VSP) làm rõ nguyên nhân hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Tiếp đó, VSP có công văn trả lời lý do loại nhà thầu SEC.

Đáng lưu ý, thời điểm này, công văn được gửi cho Tổng giám đốc của VSP là ông Từ Thành Nghĩa. Ông Nghĩa mới từ chức hồi cuối tháng 5 vừa qua bị khởi tố vào ngày 21/6 để tạm giam và khám xét về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" do có liên quan tới sai phạm tại Oceanbank.

Trở lại với vụ việc của SEC, do không đồng tình với lý do của VSP, SEC đã gửi công văn phản đối việc loại nhà thầu SEC và đính kèm theo thư của nhà sản xuất, chứng minh lý do mà VSP đưa ra để loại SEC là “hoàn toàn sai và không có cơ sở”.

SEC cho rằng, hiện nay, gói thầu này đã được cho đấu thầu lại với tiêu chí lựa chọn những công ty có năng lực thấp hơn so với yêu cầu tối thiểu để được tham gia đấu thầu.

“Việc này ngoài vi phạm Luật Đấu thầu nhưng quan trọng hơn cả là chủ đầu tư sẽ không thể có một chất lượng như mong muốn, thậm chí điều này sẽ dẫn đến sự thất bại của dự án, làm thất thoát tài sản của nhà nước và gây nên một môi trường đấu thầu không lành mạnh, thiếu minh bạch”, công văn nêu.

Phía doanh nghiệp này cũng cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực tối thiểu (chưa từng làm một dự án tương tự nào hay thậm chí chưa từng đạt 70% công suất yêu cầu) đã xảy ra với 2 dự án tương tự làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Hai dự án được SEC nêu ra có dự án cung cấp máy nén khí cấp trên giàn Thiên Ưng. Theo SEC, việc lựa chọn nhà thầu HS, một nhà thầu thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này khi chưa bao giờ cung cấp hoàn chỉnh tổ hợp một cụm máy nén khí trục vít dẫn động bởi Gas Engine tầm trung hoặc lớn hơn cho các dự án ngoài khơi.

“Điều đó đã gây ra tổn thất to lớn cho ngân sách nhà nước khi đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho cả đoạn đường ống và máy nén nhưng hậu quả thì dự án bị thua lỗ triền miên vì không đạt năng suất yêu cầu. Cho đến ngày hôm nay, cụm máy nén khí trên giàn Thiên Ưng đã hoàn toàn ngừng hoạt động”, SEC dẫn chứng.

Doanh nghiệp này cũng nhắc tới trường hợp dự án cung cấp máy nén khí tàu UBN VSP 02 với nhận định “một sự thất bại hoàn toàn”.

Theo SEC, lý do chính cũng là do khi lựa chọn nhà thầu TOE hoàn toàn không có kinh nghiệm khi cũng chưa bao giờ cung cấp hoàn chỉnh một tổ hợp cụm máy nén khí trục vít dẫn động bằng motor tầm trung hoặc lớn hơn phục vụ cho các dự án ngoài khơi.

"Dự án này đến nay đã phá sản do cụm máy nén không hoạt động và đã bị tháo rời ra nhưng một đống sắt vụn. Vì máy nén đã không còn hoạt động nên tính đến thời điểm này, VSP đã đốt tương đương 4.000 tấn dầu ra môi trường, thiệt hại hơn 1,5 triệu USD chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016”, công văn nêu.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích